Thị trường hàng hóa nguyên liệu trên đà hồi phục
Dầu đậu tương dẫn đầu mức tăng
Đóng cửa tuần, chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng 1,14% lên 2.162 điểm. Chỉ số này đã tăng gần 4% kể từ đầu tháng 6/2023, phản ánh xu hướng tăng trong ngắn hạn trên thị trường hàng hóa. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đang ổn định ở mức trung bình 4.300 tỷ đồng/ngày.
Dẫn đầu mức tăng của thị trường trong tuần qua là mặt hàng dầu đậu tương đang liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME Group). Hợp đồng dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7/2023 chốt tuần tăng thêm 10,3% lên mức 1.203 USD/tấn. Giá đậu tương, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất dầu đậu tương, cũng tăng 2,5% lên 509,5 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung đậu tương tại các vùng sản xuất trọng điểm là nguyên nhân chính khiến giá tăng trong thời gian gần đây. Thời tiết xấu đã làm mất 42% sản lượng mùa vụ đậu tương của Argentina (nước sản xuất dầu đậu tương lớn nhất thế giới) so với năm ngoái.
Tại Mỹ, giai đoạn gieo trồng đậu tương mùa vụ 2023/24 đã hoàn thành trên 96% diện tích dự kiến. Mặc dù tốc độ gieo trồng nhanh hơn mức trung bình trong 5 năm trở lại đây, nhưng chất lượng đang ở mức đáng lo ngại. USDA báo cáo chỉ có 62% diện tích đang đạt chất lượng tốt & tuyệt vời, là hậu quả của thời tiết khô hạn kéo dài từ đầu tháng 5 tới nay ở Mỹ.
Nhóm kim loại đồng loạt tăng
Không giống như sự phân hóa ở các nhóm mặt hàng khác, nhóm kim loại đồng loạt tăng giá mạnh trong tuần trước. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2023 trên Sở Singapore (SGX) tăng mạnh nhất, với mức tăng 8,3% lên 112,6 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ ngày 12/4/2023 tới nay. Mặt hàng này đang có chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp, 11 ngày tăng giá trong 12 ngày giao dịch gần nhất.
Thị trường đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong tuần trước, một loạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tiến hành hạ lãi suất tiền gửi để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu của Bloomberg, Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất điều hành và tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng tới, đồng thời đưa ra những chính sách khôi phục thị trường bất động sản, động lực chính cho nhu cầu tiêu thụ kim loại.
Bất chấp mức tăng mạnh của nguyên liệu sản xuất, giá thép tại Việt Nam đã có 9 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phân tích, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho. VSA cũng dự báo giá thép có thể sẽ tiếp tục giảm tiếp từ nay đến cuối năm.
baochinhphu.vn
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu