Thị trường đất nền đã đi qua vùng đỉnh

(TN&MT) – Theo số liệu khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS), phân khúc đất nền đã hạ nhiệt sau khi trải qua vùng đỉnh cao nhất được xác lập vào quý 2/2021.

dat-nen.jpg
Thị trường đất nền tiếp tục chững lại sau giai đoạn sốt giá

Theo các chuyên gia BĐS, ở quý 1/2022, nhu cầu đầu tư vẫn tập trung vào phân khúc đất nền của thị trường. Bởi trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân có xu hướng chọn đất nền để trú ẩn dòng tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong giai đoạn 2020 đến nửa đầu 2022 thị trường đất nền đã hoàn thiện một đợt sóng với vùng đáy rơi vào quý 2/2020 – khi dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm này, mức độ quan tâm toàn thị trường sụt giảm khoảng 11% so với trước dịch (quý 2/2019), giao dịch toàn thị trường đóng băng do giãn cách xã hội và tâm lý bất an của người mua, nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã nhanh chóng cân bằng trở lại với các nhịp hồi phục mạnh khi các đợt dịch được kiểm soát. Các đợt sốt đất nền cục bộ cũng xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với mức giá tăng mạnh.

Đến quý 2/2021, vùng đỉnh của thị trường được xác lập khi lượt quan tâm tìm kiếm tăng khoảng 17% so với trước dịch (quý 2/2019) và khoảng 23% so với vùng đáy (quý 2/2020). Giai đoạn này, các đợt sốt đất lan rộng ở nhiều thị trường do dịch bệnh được kiểm soát tốt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và lãi suất ngân hàng ở mức hấp dẫn. Các đợt sốt đất nền sau đó vẫn xuất hiện rải rác tại các thị trường cho đến thời điểm đầu năm 2022 và dần hạ nhiệt.

Cũng theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong quý 2/2022 lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh quý 2/2021, một chỉ báo cho thấy cơn sốt đất nền đã đi qua vùng nóng và đang trong quá trình hoàn thiện một chu kỳ. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch, cụ thể là quý 2/2019, lượt tìm kiếm vẫn tăng nhẹ khoảng 4% cho thấy hiện tại đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm của người mua, nhà đầu tư. Thời gian tới, dự báo thị trường đất nền tiếp tục chững hoặc giảm nhẹ để tìm điểm cân bằng sau giai đoạn sốt giá.

Nhận định về việc này, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, mặc dù quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm. Bởi, ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.

Tương tự, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định, giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện “bong bóng cục bộ”. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường BĐS.

Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại. Mặt khác, giá BĐS thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn “sốt đất” liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS gần đây “nóng sốt” chủ yếu là đầu cơ hơn là nhu cầu có thực. Và khi không phản ánh được nhu cầu thực của thị trường, chắc chắn cơn sốt đất phải hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, giá BĐS đã tăng nóng trong hai năm vừa qua, không riêng gì tại Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Bởi vì dòng tiền rẻ, lãi suất thấp, cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh ít và bởi vì chứng khoán tăng mạnh nên nhiều người mới đua nhau đổ tiền vào BĐS.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, nếu như BĐS còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá BĐS lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư,… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật.

Bạn cũng có thể thích