Thị trường chứng khoán ngày 6/9: Nhiều nguyên nhân khiến việc hồi phục khó khăn

Sau phiên sáng diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa, đến phiên chiều nhiều nhóm cổ phiếu đã chuyển màu xanh sang đỏ khiến các chỉ số trở về sát mốc tham chiếu.

thi truong chung khoan ngay 69 nhieu nguyen nhan khien viec hoi phuc kho khan
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Nếu như phiên sáng nhóm cổ phiếu dầu khí tràn ngập sắc xanh thì phiên chiều được thay bằng sắc đỏ. Cụ thể, các mã như: OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS ở chiều giảm giá. Cùng đó, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất có diễn biến rất tiêu cực, đặc biệt là các mã cổ phiếu phân bón. Theo đó, DCM giảm 4,6%, BFC giảm 4,3%, DPM giảm 3,6%, LAS giảm 2,8%…

Nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm đảo chiều với sắc đỏ lan rộng. Trong nhóm này chỉ còn duy nhất BMI giữ được sắc xanh. Các mã ABI, BIC, BLI, BVH, MIG, PVI giảm giá.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn giữ được sự tích cực và là trụ đỡ cho thị trường chung. Các mã ACB, BID, CTG, HDB, LPB, MBB, MSB, NVB, OCB, PGB, SGB, SHB, TCB, VCB, VIB, VPB ở chiều tăng giá.

Theo chuyên gia phân tích Phạm Minh Hoàng tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2022 có thể sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng nửa đầu năm nay.

Bởi mục tiêu chính của ngân hàng nhà nước là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lạm phát tăng cao nên ngân hàng nhà nước sẽ thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.

Động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ khác với 6 tháng đầu năm, khi trọng tâm chuyển từ cho vay bất động sản sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện.

Cùng đó còn có gói hỗ trợ lãi suất 2% tương ứng dư nợ khoảng 2 triệu tỷ đồng phân bổ trong 2022. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn có thể đạt được.

Dù nợ xấu dự báo sẽ tăng lên khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đã hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022, nhưng áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

VDSC cho rằng, vẫn có những rủi ro nhất định khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, bởi các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản, hoặc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cao trong danh mục tín dụng sẽ khó ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp hoàn toàn được hưởng lợi.

Trở lại diễn biến thị trường, khối ngoại bán ròng cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường thêm khó khăn trong việc hồi phục. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 270 tỷ đồng trên HOSE và 15,46 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 17,97 tỷ đồng trên HNX. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 11 với các giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Các mã bị bán ròng nhiều nhất là VIC, HPG, KDH, KBC.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, VN – Index tăng 0,05 điểm lên 1.277,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 581,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.561 tỷ đồng. Toàn sàn có 191 mã tăng giá, 261 mã giảm giá và 85 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 293,27 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.376 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 100 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,14 điểm xuống 91,64 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 32,72 triệu đơn vị, tương ứng hơn 572,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 146 mã tăng giá, 134 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích