Thị trường carbon ngành dầu khí: Bài học từ những doanh nghiệp hàng đầu

Thị trường carbon, công cụ quan trọng góp phần giảm phát thải khí nhà kính ngành dầu khí. Ảnh min họa

Tình hình phát thải và kế hoạch của ngành dầu khí

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang đối mặt, đòi hỏi sự chung tay của các quốc gia và ngành công nghiệp. Một trong những công cụ quan trọng được Liên Hợp quốc đề xuất để giảm phát thải khí nhà kính là trao đổi tín chỉ carbon thông qua thị trường carbon. Thị trường này cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành dầu khí, thực hiện các biện pháp giảm phát thải một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việt Nam đã thiết lập khung chiến lược và mục tiêu để thúc đẩy giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, thị trường carbon vẫn còn khá mới mẻ, và các doanh nghiệp trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giao dịch tín chỉ carbon.

Theo ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lượng phát thải từ hoạt động sản xuất và kinh doanh của PVN hiện chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng phát thải của ngành năng lượng, nhờ vào việc sử dụng các hệ thống thiết bị và công nghệ hiện đại hơn so với tiêu chuẩn chung. Số liệu từ năm 2020 cho thấy, phát thải của PVN chiếm khoảng 7% tổng lượng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực năng lượng, tương đương 19,5 triệu tấn CO2 trên tổng số 273 triệu tấn CO2 của cả ngành. Tuy nhiên, ông Hùng cảnh báo rằng, nếu không có các biện pháp giảm phát thải hiệu quả, tỷ trọng phát thải của PVN có thể tăng nhanh trong giai đoạn 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp điện.

PVN đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng các cam kết mới của Việt Nam. Đến năm 2025, Tập đoàn dự kiến sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với mức phát thải cơ sở của năm 2010. Từ năm 2031 đến 2050, PVN sẽ triển khai các giải pháp “xanh hóa” các nhà máy điện than, ứng dụng công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS), cũng như phát triển các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen “xanh” và NH3 “xanh”.

Kinh nghiệm từ các tập đoàn dầu khí quốc tế

TS. Vũ Minh Pháp – chuyên gia từ Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Tập đoàn BP là đơn vị đầu tiên trên thế giới tổ chức và thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) nội bộ. Nhóm chuyên trách của BP được thành lập để quản lý ETS nội bộ, chịu trách nhiệm thiết lập các quy tắc, phân bổ hạn ngạch và đảm bảo tuân thủ từ các đơn vị thành viên. Mặc dù gặp phải nhiều thách thức ban đầu, BP đã đạt được những thành công đáng kể. Năm 2000, BP đã dễ dàng đạt mục tiêu giảm 1% lượng phát thải nhờ vào các điều chỉnh đơn giản trong quy trình vận hành và hạn mức lỏng lẻo do đánh giá không chính xác lượng phát thải của các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, BP cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai ETS nội bộ, bao gồm thiếu kiến thức về ETS, thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết và sự phức tạp trong việc thiết lập hạn mức và hạn ngạch phát thải. BP đã vượt qua các thách thức này bằng cách hợp tác với Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) của Mỹ để tổ chức các hội thảo và nâng cao nhận thức cho nhân viên, cũng như xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu phát thải đáng tin cậy.

Tập đoàn Shell cũng đã triển khai hệ thống ETS nội bộ, nhưng gặp phải những thách thức riêng, chẳng hạn như khó khăn trong việc quản lý sự tham gia của các đơn vị thành viên ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Shell cũng đối mặt với vấn đề thừa hạn ngạch trên thị trường và những phức tạp liên quan đến việc mua bán tài chính các khoản hạn ngạch nội bộ xuyên biên giới. Dù không đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, hệ thống ETS nội bộ của Shell đã cung cấp những kinh nghiệm quý báu giúp tập đoàn này chuẩn bị tốt hơn cho các sáng kiến giao dịch phát thải trong tương lai.

Đề xuất cho ngành dầu khí Việt Nam

TS. Vũ Minh Pháp nhận định, ngành dầu khí Việt Nam cần nâng cao mức độ sẵn sàng để tham gia thị trường carbon, bao gồm việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho các đơn vị trực thuộc PVN. Các nội dung đào tạo chính cần tập trung vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), quản lý kiểm kê và phát thải khí nhà kính, định mức và phân bổ hạn ngạch phát thải, cùng với sự khác nhau giữa các thị trường carbon quốc tế và trong nước.

Việc chuẩn bị tốt cho nghĩa vụ tuân thủ các mục tiêu giảm phát thải ngày càng chặt chẽ là điều cần thiết. Các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các quy định và hạn ngạch phát thải được phân bổ bởi cơ quan quản lý. Đặc biệt, cần có nhân lực chuyên trách về quản lý phát thải và tham gia thị trường carbon.

Những kinh nghiệm từ BP và Shell cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia hệ thống ETS. Việc xây dựng một lộ trình để triển khai hệ thống ETS nội bộ trong các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam, và ngừng vận hành khi các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường carbon bắt buộc, là một cách tiếp cận hợp lý để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ và liên tục trong việc quản lý phát thải và tham gia thị trường phát thải khí nhà kính.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, trồng cây gây rừng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tích lũy tín chỉ carbon để bù đắp phần phát thải, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội. Những hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng của PVN trong những năm qua đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích