Thị trường BĐS TP.HCM và lân cận: Thanh khoản “èo uột”, giá vẫn không giảm
(TN&MT) – Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM và các tỉnh lân cận hiện đang tồn tại một nghịch lý, đó là thanh khoản sụt giảm trong khi mặt bằng giá đang ở mức cao, người có hàng thì không muốn giảm giá nhiều, còn người mua thì lại chờ giá giảm sâu mới xuống tiền.
Giá đất vẫn tăng
Gần đây, dòng tiền đổ dồn vào BĐS khiến giá đất ở nhiều địa phương liên tục tăng. Bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người đã chọn BĐS làm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Theo đó, “cơn sốt đất” đã bắt nguồn từ các thành phố lớn như TP.HCM, rồi kéo dài ra các tỉnh như: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đến hiện tại, sốt đất đã phần nào được kiểm soát do nhiều địa phương đã siết chặt tình trạng phân lô, bán nền trái phép. Việc này đã dẫn đến nghịch lý, dù thanh khoản trên thị trường BĐS khá “èo uột” nhưng giá bán vẫn không giảm.
Theo thống kê của DKRA Việt Nam mới đây cho thấy, đối với thị trường thứ cấp tại khu vực phía Nam, dù giá chào bán vẫn tăng nhưng thanh khoản đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đã sụt giảm từ tháng 4/2022 đến nay, phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có “sổ đỏ” từng nền. Dự báo, nguồn cung và sức cầu trong tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho rằng, hiện tượng thanh khoản đã sụt giảm, một phần do đa phần người mua không dám mua, còn người bán thì do dự, không muốn giảm giá nhiều. Điều này dẫn đến một thực tế là mua vào dễ hơn bán ra. Bởi mức giá bán đang neo cao hơn so với giá trị thực tế.
Số liệu của sàn giao dịch Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong những tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS đã có hiện tượng giao dịch BĐS bán sản phẩm diễn ra khá chậm so với cùng kỳ năm 2021, lượng quan tâm BĐS bán sản phẩm cũng đã giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở các loại hình đất, đất nền dự án. Trong khi đó, lượng tin đăng rao bán đã tăng trên 22%, đặc biệt đất nền dự án tăng 38%.
Mua dễ, bán khó
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Nghĩa là khách hàng có thể mua được BĐS nhưng muốn bán ra để thu hồi vốn thì không hề dễ dàng, nhất là ở những thị trường nóng, sốt. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên dòng tiền của khách hàng.
Ông Neil MacGregor – Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, giá bán BĐS sẽ tiếp tục tăng cho đến khi nguồn cung trên thị trường được cải thiện. Tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương khiến giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này dẫn đến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM để phát triển dự án không còn nhiều, dễ bị thao túng, từ đó có khả năng hình thành nguy cơ “bong bóng” BĐS.
“Giá BĐS tăng cao cũng không hẳn là một tín hiệu tốt cho thị trường BĐS khi hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững. Bởi việc tăng “nóng” giá bán sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới “trượt” xa so với khả năng sở hữu của người dân, khiến bài toán nhà ở cho người dân, đặc biệt cho người có thu nhập trung bình – thấp sẽ khó được giải quyết”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.
Về khuyến nghị nhà đầu tư BĐS trong bối cảnh giá cao, thanh khoản thấp như hiện nay, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc sàn giao dịch Batdongsan.com.vn cho rằng, nhà đầu tư cần xem xét lại sản phẩm BĐS của mình đang nắm giữ. Trong đó, những sản phẩm, khu vực mà không tăng giá theo giá trị thật của BĐS mà tăng theo kiểu “nước lên thuyền lên” thì nhà đầu tư có thể sẽ có sự điều chỉnh lại giá cho phù hợp hơn.
Ông Trần Khánh Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư BĐS Việt An Hòa khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường diễn biến theo hướng không mấy tích cực như hiện nay, các nhà đầu tư nên chờ đợi và tiếp tục quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn chọn mua BĐS ở thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố. Cụ thể, chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng để mua lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao và lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.