Thị trường BĐS tại TP.HCM và phụ cận đang chịu nhiều sức ép về giao dịch sản phẩm

(TN&MT) – Trước tình trạng thanh khoản giảm, nguồn cung sản phẩm bất động sản (BĐS) tại TP.HCM và các tỉnh lân cận hạn chế, các chuyên gia cho rằng, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn thất thường, chưa cân bằng. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng trước khi xuống tiền sở hữu sản phẩm.

bdsa.jpg
Hiên tại, thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang giao dịch khá chậm

Tiêu thụ sản phẩm chậm

Theo báo cáo thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận mới đây của DKRA cho thấy, từ tháng 8/2022 đến nay, nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ phân khúc căn hộ giảm hơn 50% so với quý II/2022. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm BĐS niêm yết đạt gần 98.800 tỉ đồng doanh thu thuần và 27.150 tỉ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 36% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 28 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm và 7 doanh nghiệp lỗ.

Cũng theo ĐKRA, 02 tháng trở lại đây, giao dịch sản phẩm BĐS tại TPHCM và vùng phụ cận diễn ra khá chậm. Nhu cầu tìm mua giảm 3% trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận có khoảng 10 dự án mới mở bán, tỷ lệ hấp thụ không vượt qua mức 50% nguồn hàng rao bán. Nghịch lý ở chỗ, giá bán các phân khúc đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), tiếp đó là phân khúc trung cấp (5%) và cao cấp (4%). Về mức độ thông tin quan tâm đất nền tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng giảm. Trong đó, huyện Củ Chi giảm 8%, huyện Nhà Bè giảm 21%, quận 12 giảm 14% và TP Thủ Đức giảm 23%…

Tương tự, các tỉnh lân cận cũng giảm giao dịch mạnh, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu giảm tới 39%, Bình Dương giảm 18%, Đồng Nai giảm 17%. Chỉ có Tây Ninh tăng cao đến 60%. Tại tỉnh Đồng Nai, thời điểm tháng 3/2022 thị trường sôi động, nhu cầu mua nhà riêng lẻ tăng đến 29%, đất nền tăng 39%, biệt thự tăng đến 61% so với tháng 2/2022. Nhưng bước sang các tháng 4, 5, 6, 7 thị trường giảm xuống mạnh, đất nền dự án giảm 31%, nhà riêng lẻ giảm 22%.

Thị trường chưa ổn định

Đánh giá về mức độ hấp thụ thị trường BĐS tại TP.HCM và các vùng phụ cận giảm thời gian qua, Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, thị trường BĐS hiện đang có độ vênh, chưa mang tính ổn định. Vì vậy, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với mọi quyết định xuống tiền trong giai đoạn này. Phải tính toán sau khi mua xong có bán được hay không rồi mới tính đến chuyện lợi nhuận nhiều hay ít để đảm bảo dòng tiền. Nếu các chủ đầu tư không có phương án mới, khả năng thị trường BĐS đến cuối năm 2022 khó ấm trở lại. Thời điểm hiện nay có thể nói giao dịch chậm nhất trong 3 năm trở lại đây.

Đồng quan điểm, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Công ty Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS trong những năm vừa qua như một chiếc lò xo bị nén, khi các khó khăn được tháo gỡ, thị trường sẽ có một sức bật trở lại. Tuy nhiên, các vướng mắc pháp lý khó có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, việc xây dựng nhà giá rẻ ở TP.HCM sắp tới đòi hỏi quỹ đất rất lớn tại đô thị và cần những ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề của thị trường BĐS hiện nay đủ để các nhà đầu tư có thêm niềm tin vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong thời gian tới.

Còn Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong thời gian tới, để góp phần giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, chủ đầu tư – doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng. Tránh tối đa tình trạng dự án BĐS chưa đủ điều kiện đã đưa vào hoạt động, chất lượng thấp, không bảo đảm an toàn đã bàn giao cho người mua nhà hoặc chủ đầu tư đem thế chấp căn hộ rồi tiếp tục bán cho người khác.

“Khách hàng mạnh tay đầu tư vào BĐS là tín hiệu mừng góp phần tăng trưởng thị trường, nhưng nếu đầu tư không tính toán kỹ lưỡng, chạy theo đám đông, huy động mọi nguồn vốn, kể cả vay lãi suất cao khả năng dẫn đến những rủi ro khó tránh khỏi. Còn doanh nghiệp BĐS phải luôn tuân thủ pháp luật, hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước để điều chỉnh thị trường phát triển hiệu quả hơn, cân đối lại tình trạng lệch pha cung – cầu để tránh nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS, gây khủng hoảng thị trường chung” – ông Chánh phân tích.

Bạn cũng có thể thích