Thị trường BĐS quý I/2022: Nhà đầu tư “hạ nhiệt”, giá vẫn tăng

(TN&MT) – Giữa quý I/2022, giá bất động sản (BĐS) bất ngờ tăng cao tại nhiều địa phương ở TP.HCM và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Điều này tạo ra thế khó cho thị trường BĐS bởi khi người muốn mua thì không thể mua được vì giá quá cao, còn người muốn bán thì lại hét giá “trên trời”.

Nhà đầu tư quay lưng

Gần đây, thị trường BĐS một số tỉnh, thành ở phía Nam chứng kiến nhiều cơn “sốt đất”. Sau mỗi cơn “sốt đất”, nhiều người dân địa phương rủ rê chuyển sang làm nghề môi giới. Các sàn giao dịch BĐS “mọc lên như nấm”, điều này góp phần khiến thị trường BĐS bị nhiễu sóng, gây khó cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, khiến cung – cầu ngày càng lệch pha bởi giá bán bị đẩy lên quá cao, người mua trước thì trúng đậm, người mua sau bị “mắc cạn”… bởi không tìm được đầu ra.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nguồn cung sản phẩm BĐS tại nhiều địa phương đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này, nhiều môi giới, đầu cơ tiếp tục đẩy giá lên cao, nhưng càng đẩy lên cao thì người mua càng “ngoảnh mặt quay lưng”. Theo ghi nhận của PV, nghề môi giới BĐS lan nhanh từ thành thị, ngay cả một số vùng quê vốn dĩ yên ả thì nay náo nhiệt hẳn bởi tình trạng “sốt” vườn, đất nông nghiệp.

nghe-moi-gioi-bds.jpg

Nghề môi giới bất động sản lan nhanh đến tận các vùng quê.

Các chuyên gia BĐS cho rằng, phần lớn các môi giới địa ốc ở một số địa phương không chuyên nghiệp, họ là người lao động bình thường rồi chuyển ngang qua làm môi giới, lợi nhuận luôn đặt trước vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Do đó, luôn có một bộ phận sẵn sàng dùng chiêu trò, thổi giá, lôi kéo người dân tham gia mua bán theo tâm lý đám đông để đẩy giá BĐS lên cao nhằm trục lợi. Mặc khác, mỗi khi địa phương nào xảy ra tình trạng “sốt đất” thì một bộ phận người lao động hiện hữu bỏ việc rồi chuyển sang hành nghề môi giới, gây mất cân đối về lao động trên địa bàn.

Giá bán bất hợp lý

Theo khảo sát thị trường của DKRA Vietnam, trong quý I/2022, nghịch lý ở chỗ lượng đăng tin rao bán sản phẩm, giá BĐS tăng cao nhưng nhu cầu tìm kiếm, mức độ quan tâm lại giảm. Bởi trên thực tế, thị trường thứ cấp mua đi bán lại gần như không có do giá bán bị đẩy lên quá cao, chỉ còn những người có nhu cầu thật về nhà ở mới rút “hầu bao” để sở hữu. Tại TP.HCM, quỹ đất còn quá ít, giá cả chi phí đầu tư quá lớn, điều này dẫn đến việc sản phẩm ít và giá quá cao là lý do khiến thị trường trầm lắng. Ngoài ra, dự án cũ còn lại một ít từ thị trường thứ cấp mua đi bán lại.

“Hiện tại, thị trường BĐS ở một số địa phương khu vực phía Nam có dấu hiệu “sốt đất ảo” quay trở lại, giá bán bị đẩy lên cao là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí một số nhà đầu tư, đầu cơ, “cò” đất bắt tay nhau thổi giá. Các cơ quan chức năng, liên ngành cần vào cuộc kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời, ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS”.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, giá BĐS sẽ khó giảm mà vẫn tiếp tục tăng cao. Do đó, cơ quan chức năng cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội để những người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách có thể mua được nhà. Còn các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS cũng cần tính lại giá bán ở mức độ hợp lý, góp phần ngăn chặn giá sản phẩm BĐS bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém, tránh bi kịch càng đẩy giá – càng khó bán.

Còn ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam phân tích, nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng, vì thị trường BĐS bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa. Nhà đầu tư cũng nên giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi BĐS lên giá quá lâu trong khi tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó. Đây là câu chuyện mà các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.

Bạn cũng có thể thích