Thị trường BĐS gặp khó: Nhà đầu tư hết thời… “lướt sóng”

(TN&MT) – Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), hiện tại, phần lớn các nhà đầu tư BĐS tại khu vực TP.HCM đều có tư tưởng “lướt sóng” để kiếm lời, trong khi thị trường lại lệch pha cung – cầu, thanh khoản thấp hay các nguồn vốn bị siết chặt… nên rơi vào tình cảnh khó khăn bởi không sang tay được sản phẩm.

Khó sở hữu nhà ở thực

Theo nhận định của các chuyên gia, việc mua bán náo nhiệt đã đem đến cho một bộ phận nhà đầu tư giàu lên nhờ mua sớm, bán nhanh nhưng cũng có không ít người vỡ nợ bởi “cơn sốt” thị trường đu đỉnh không còn, dẫn đến không kiếm được đầu ra, trong khi phải trả lãi suất vay mượn từ người thân cho đến ngân hàng. Ngoài ra, dòng tiền hiện nay nằm ở các sản phẩm cao cấp, nhóm sôi động nhất chỉ nằm ở các nhà đầu tư có tài chính mạnh. Thực tế, nhóm khách hàng có nhu cầu nhà ở là cao nhất nhưng họ không biết tìm ở đâu để mua được nhà so với tài chính của mình.

Theo chuyên gia BĐS Lê Chí Nhân, giá sản phẩm BĐS ở một số địa phương hiện nay còn nhiều bất cập, quá cao so với giá trị thực tế. Chính vì vậy, một bộ phận lớn người dân đang gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở thực vì hậu quả của những lần tăng giá đột ngột. Điều này không phải quy luật của kinh tế thị trường mà nó là sự thao túng nhằm trục lợi của một bộ phận. Chẳng hạn, trước thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch, hạ tầng xã hội…, một số doanh nghiệp làm ăn bất minh thay nhau “thổi” giá đất, cho nhân viên diễn cảnh mua bán nhộn nhịp để thu hút những nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Việc “sốt” đất còn xuất phát từ việc hám lợi của người mua, chạy theo đám đông, không có kinh nghiệm dẫn đến việc chôn vốn, thiệt hại về tài chính.

thi-truong-nha-dat.jpg

Thị trường nhà đất chững lại có thể khiến một số dự án dang dở, chậm tiến độ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thực tế cho thấy thị trường BĐS hiện đang mất cân đối về nguồn cung, nhất là ở khu vực TP.HCM. Do chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao nên hầu hết sản phẩm BĐS đưa ra thị trường thời gian tới chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Phân khúc tầm trung không có nguồn cung từ nay đến cuối năm 2022 nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở tầm trung thì thị trường khó mà cân đối trở lại.

Cần khơi thông nguồn vốn

Theo ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Savills Việt Nam, đối với thị trường BĐS hiện có 2 vấn đề cốt lõi cần quan tâm đó là pháp lý và dòng tiền. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất không phải là dòng tiền. Trên thực tế, hiện đang áp dụng chính sách tiền tệ để quản lý BĐS. Song, phân khúc gặp khó nhất không phải là BĐS nhà ở mà chính là pháp lý, yếu tố đẩy chi phí đầu vào, làm tăng giá trị nhà ở khi giá trị thật không có. Do đó, dòng tiền chỉ xếp thứ hai trong khó khăn của doanh nghiệp BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nguồn vốn tín dụng luôn được xem là “bà đỡ” của doanh nghiệp BĐS trong đầu tư, kinh doanh. Gần đây, trong dự thảo thông tư, văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, thực hiện chính sách tín dụng… Việc này dẫn đến luồng dư luận cho rằng NHNN “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, dẫn đến các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay số tiền lớn. Điều này tác động phần nào đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS. Vì vậy, HoREA rất mong NHNN xem xét theo hướng các dự án BĐS có tính khả thi, các doanh nghiệp uy tín vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, Chính phủ không siết trái phiếu mà yêu cầu đưa trái phiếu về cho đúng chuẩn. Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu đúng chuẩn thì phải có dự án thực sự, có pháp lý, bắt đầu phát hành trái phiếu niêm yết trên sàn. Như vậy, do chúng ta không đủ tiêu chuẩn để phát hành trái phiếu chứ không phải Nhà nước siết chặt. Đặc điểm là 70% nhà đầu tư đều lướt sóng, thậm chí còn hơn nên khi các nguồn vốn bị siết lại thì thị trường BĐS tất yếu gặp khó khăn.

Bạn cũng có thể thích