Thị trường BĐS đối mặt khó khăn: Cần đa dạng nguồn vốn
(TN&MT) – Trước tình trạng thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khiến giao dịch trầm lắng, thanh khoản giảm, các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS cần tái cơ cấu sản phẩm, đa dạng các nguồn vốn… nhằm sớm đưa thị trường “ấm” trở lại.
Khó khăn chồng chất
Mặc dù, phân khúc nhà ở hiện nay nguồn cầu lớn và động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng thị trường BĐS đang gánh phải những khó khăn chồng chất. Thống kê của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến BĐS đã giảm đáng kể từ tháng 3/2022 đến nay. Nhiều tỉnh, thành phía Nam chứng kiến nhu cầu tìm mua BĐS giảm hẳn. Về giá bán, trong quý 3/2022, nhiều địa phương như: Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu tìm mua BĐS sụt giảm mạnh từ 19% – 33%. Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất hiện nay là việc khách hàng lo sợ thị trường “tiêu cực” không dám đầu tư vào BĐS, còn giới đầu tư cho rằng do bị hạn chế trong vay vốn và giá bán quá cao so với khả năng tài chính.
Theo các chuyên gia, khi điểm nghẽn lớn nhất trong đầu tư kinh doanh BĐS, là dòng tiền được khơi thông, thị trường BĐS sẽ sớm bắt nhịp trở lại và phát triển. Dự báo năm 2023, thị trường BĐS sẽ không có sự “bùng nổ” mà hồi phục từng bước theo hướng minh bạch hơn, hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, khó khăn cho thị trường BĐS hiện nay là việc thiếu hụt quỹ đất tại các thành phố lớn, nguy cơ “bong bóng” rất dễ xảy ra. Tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo, thổi giá… đã từng diễn ra ở nhiều địa phương cũng khiến giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua ở cuối cùng, giá bán chạm “nóc”, khiến thị trường BĐS bị chững lại, phát triển không lành mạnh trong trung, dài hạn.
Theo Savills Việt Nam, một thị trường BĐS nếu không hướng đến người mua ở cuối cùng thì khó có thể phát triển bền vững. Vì vậy, chính quyền địa phương cần dành thêm quỹ đất cho các dự án nhà ở bình dân, hỗ trợ người mua có nhu cầu ở thực, cũng như xây dựng quy trình đấu giá đất công khai, minh bạch hơn để hạn chế đầu cơ, kiểm soát nguy cơ dẫn đến “bong bóng”. Ngoài ra, cần bổ sung quỹ đất khu trung tâm để phát triển dự án nhà ở và triển khai thêm các dự án hạ tầng phát triển đô thị.
Cần một “cú hích”
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến việc giao dịch BĐS bị giảm là rào cản pháp lý, các địa phương vẫn còn rụt rè khi phê duyệt dự án. Ngoài ra, gần đây, nguồn vốn tín dụng vào BĐS được quản lý chặt chẽ, “room” ngân hàng khắt khe hơn khiến dòng tiền đưa vào thị trường BĐS càng trở nên khan hiếm. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh sản phẩm BĐS nhưng lại không có đủ nguồn lực tài chính thì khó có thể thực hiện được, dẫn đến lượng giao dịch sụt giảm.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để góp phần giúp thị trường BĐS “ấm” trở lại, cần có các chính sách cấp bách phê duyệt dự án cấp thiết cho xã hội, tăng nguồn cung mới, giảm giá nhà ở. Ngoài ra, cần khơi thông dòng vốn, thúc đẩy dòng vốn tín dụng có kiểm soát vào các dự án BĐS trọng yếu, phù hợp nhu cầu xã hội, thị trường. Đối với lĩnh vực nhà ở xã hội nên được đẩy mạnh. Chính quyền địa phương cũng nên quyết liệt hơn trong việc phê duyệt dự án.
Theo Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân, nguồn vốn như mạch máu của thị trường BĐS. Việc ngân hàng sẽ nới “room” là tín hiệu vui với thị trường BĐS. Nếu dòng vốn được lưu thông thì thị trường BĐS sẽ có cơ hội khôi phục trở lại, tính thanh khoản cũng sẽ được cải thiện. Song, mức hồi phục không phải thần tốc mà sẽ chuyển sang giai đoạn thanh lọc thật sự. Qua đó, những chủ đầu tư uy tín, có năng lực tạo ra các dòng sản phẩm mang giá trị thật sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp làm ăn chụt giựt, chạy theo ngắn hạn sẽ bị thị trường đào thải.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia phân tích, thị trường BĐS năm 2022 đã “ngấm đòn” và một trong những lo ngại là rủi ro về tài chính. Vì vậy, thời gian tới, để phục hồi và phát triển thị trường BĐS, cần có một tổ chức chuyên biệt về phát triển nhà ở, đồng thời, cũng cần có lộ trình để đảm bảo công bằng cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vốn từ trái phiếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cũng cần phải đa dạng nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro về lãi suất, tài chính và phải tiến tới công khai, minh bạch hơn…