Thị trường BĐS 2023: Đón chờ xung lực mới

(TN&MT) – Năm 2022, thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2023, doanh nghiệp bất động sản đang rất hy vọng sẽ thấy được những tháo gỡ cụ thể, kịp thời trước mắt cũng như những chính sách trong trung và dài hạn để đưa thị trường đi vào quỹ đạo phát triển lành mạnh, bền vững.

Thị trường bất động sản sụt giảm nhẹ

Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp và hàng loạt các chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh làm động lực thúc đẩy sự phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác.

10(1).jpg

Các cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2022, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, lãi suất tín dụng, thuế, phí, thủ tục hành chính.

Điều này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách mới và có hiệu lực trong năm 2022 về thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Chứng khoán, Luật Cư trú và Luật Kinh doanh bất động sản đã được ban hành.

Bên cạnh đó là hàng loạt các chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành thông qua các nghị quyết. Tất cả điều này đã tạo ra các xung lực mới, có tác động tích cực tới thị trường bất động sản.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2022, chịu ảnh hưởng chung từ diễn biến nền kinh tế, thị trường bắt đầu sụt giảm từ cuối quý II nhưng lượng giao dịch của cả năm vẫn cao hơn 2021 với gần 800 nghìn giao dịch, đạt 138,6%. Riêng thị trường đất nền đạt 370%, giao dịch tăng mạnh trong quý I. Nguyên nhân là do nguồn cung mới bị hạn chế nên giá nhà ở tại các khu đô thị đã hoàn thiện vẫn giữ ở mức cao.

Đơn cử, tại TP. Hà Nội, các khu đô thị (KĐT) đã bàn giao, giá nhà giữ ở mức cao 140 – 300 triệu đồng/m2. KĐT Văn Phú (Hà Đông) nhà liền kề có giá khoảng 145 triệu đồng/m2; KĐT Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) 180 triệu đồng/m2; KĐT Nam Thăng Long – Ciputra (Tây Hồ) giá khoảng 284 triệu đồng/m2. Tại TP. HCM: KĐT Lakeview City (Quận 2) nhà liền kề có giá khoảng 152 triệu đồng/m2; KĐT Vạn Phúc City (Thủ Đức) nhà liền kề có giá khoảng 182 triệu đồng/m2…

Ngoài ra, phân khúc chung cư tăng giá 10 – 20%, đặc biệt tại các dự án chung cư đã sử dụng. Tại TP. Hà Nội và TP.HCM, có nhiều dự án được chào bán thuộc phân khúc trung cấp. Chung cư Anland Lake View (Hà Đông, Hà Nội) có giá bán dự kiến khoảng 30 triệu đồng/m2; Dự án Sunshine Boulevard (Thanh Xuân, Hà Nội) có giá bán dự kiến từ 34 triệu đồng/m2; Dự án Imperia River View (Long Biên, Hà Nội) có giá bán từ 40 triệu đồng/m2; Dự án Sun Village Apartment (Bình Thạnh, TP.HCM) có giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Dự án 4S Riverside Linh Đông (Thủ Đức, TP.HCM) giá khoảng 30,99 triệu đồng/m2…

Kỳ vọng đột phá về chính sách, cơ chế mới

Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có nhiều điểm sáng và sẽ khởi sắc. Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng vào 3 yếu tố đột phá đến từ các cơ quan quản lý.

Trong đó, các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ các nội dung thuộc thẩm quyền; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.

Đặc biệt, nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia phân tích thị trường cũng đưa ra nhận định, quý I/2023, bất động sản Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian. Bước sang quý II, quý III, thị trường sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ.

Bạn cũng có thể thích