Thị trường bất động sản: Nhiều giải pháp phục hồi
(TN&MT) – Hiện tại, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp BĐS cũng đang gặp khó khăn do các bất cập liên quan đến pháp lý, nguồn vốn đầu tư…, cần được tháo gỡ để giúp thị trường sớm hồi phục và phát triển ổn định trong thời gian tới.
Doanh nghiệp gặp khó
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, thị trường BĐS đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tại thị trường các tỉnh, thành khu vực phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…, do các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội. Thực tế, nhiều dự án BĐS đã ngừng xây dựng; việc mở bán, tư vấn khách hàng gần như không thể thực hiện được. Hệ quả là doanh nghiệp BĐS hầu như không có doanh thu từ các giao dịch mua bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2021 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là vào quý III/2021. Nguồn cung BĐS đã sụt giảm từ những năm trước, thì nay lại tiếp tục bị sụt giảm bởi đại dịch kéo dài và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường cũng thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Ngoài ra, tình trạng mất cân đối giữa cung – cầu đã và đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn, khiến giá BĐS được đẩy lên ở mức cao.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS hiện đang gặp phải các vướng mắc về pháp lý (ảnh minh họa) |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, thị trường BĐS gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể. Các doanh nghiệp còn bám trụ được thì cũng gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư do thời gian phê duyệt, cấp phép xây dựng kéo dài, đồng thời các vướng mắc trong quy định pháp luật chưa được tháo gỡ khiến quá trình phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án ngưng trệ. Do vậy, nguồn cung trên thị trường BĐS trong năm qua chưa được cải thiện, còn các chủ đầu tư gặp khó trong thu hồi vốn nhưng vẫn phải “gồng” lỗ để duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Giải pháp căn cơ
Về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong thời gian đợi sửa đổi Luật Đất đai, cần tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật và các thủ tục phê duyệt đầu tư dự án BĐS để có quyết định tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án; đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án.
Theo phân tích của các chuyên gia, sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp BĐS, sàn giao dịch BĐS là rất lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể hoặc phá sản, 32% đơn vị đã phải nỗ lực để duy trì và 40% đơn vị còn khả năng chống đỡ nhưng không cao, nên rất cần sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô của Nhà nước để giúp các doanh nghiệp BĐS sớm hồi phục và phát triển thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, doanh nghiệp BĐS cũng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên cũng cần nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế tương tự như các doanh nghiệp ngành nghề khác; đồng thời, doanh nghiệp BĐS cũng cần được khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS phục hồi sau đại dịch. Trong đó, cần có các chính sách như: giãn hoãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ thu nộp ngân sách khác sẽ có tác động tích cực giúp doanh nghiệp BĐS sớm phục hồi tiềm lực tài chính.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, đối với doanh nghiệp BĐS, “hàng rào” lớn nhất hiện nay có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Hiện có khoảng 400 dự án trên cả nước đang bị ách tắc bởi quy định này. Do vậy, doanh nghiệp rất mong Nhà nước sớm sửa đổi về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Đây được xem là “nút thắt” lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường BĐS, từ đó đẩy giá nhà tăng cao.