Thị trường bất động sản: “Ngóng” chính sách hỗ trợ
Theo đánh giá, đây là những biện pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, nhưng các Bộ, ngành giúp việc cho Chính phủ cần phải bắt tay triển khai ngay, không để những thủ tục hành chính làm chậm đi “tính thời điểm” của cơ chế.
Chính sách chưa triển khai đồng bộ
Chị Nguyễn Thùy D., một viên chức trong đơn vị sự nghiệp giáo dục đang thuê nhà tại ngõ 42 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019 gia đình chị làm thủ tục vay vốn NH 500 triệu đồng để mua nhà với lãi suất 1 năm đầu 7,5%/năm, đến nay NH đã giải ngân được 3 đợt, dự kiến đến đầu quý I/2021 sẽ nhận được nhà, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự án chưa thể hoàn thiện theo đúng tiến độ cam kết. Trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách xã hội thu nhập giảm, gia đình chị lại nhận được thông báo từ tháng vay thứ 13 mức lãi suất sẽ được áp dụng cộng thêm biên độ 3,5% nữa, nghĩa là gia đình chị đang phải chịu mức lãi suất cho vay mua nhà tương đương 11%/năm.
Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 làm hoạt động của DN BĐS bị đình trệ, mất doanh thu. |
“Tháng 1/2020 NHNN ban hành Thông tư số 01/TT-NHNN về việc giãn, giảm tiền lãi suất cho vay, không những tôi không được giảm mà vẫn phải chịu lãi suất cao hơn được quy định trong hợp đồng. Mới đây NHNN ban hành Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01, khi hỏi NH trả lời trường hợp của tôi chưa được áp dụng. Người dân chia sẻ với DN do dịch bệnh không bàn giao nhà đúng tiến độ, trong khi tôi và rất nhiều người vẫn phải đi thuê nhà, tiền lãi chịu mức cao hơn lại chưa nhận được hỗ trợ gì từ NH” – chị Nguyễn Thùy D. chia sẻ.
Còn nhớ, vào thời điểm quý I/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg về một số biện pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. “Tuy nhiên, đến tận cuối năm 2020, qua số liệu khảo sát chúng tôi thấy rằng đa số DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, do các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn giúp việc cho Chính phủ chưa hoàn thành thủ tục để đưa chính sách vào triển khai thực tế, làm mất đi “tính thời điểm” của một quyết sách mang tính vĩ mô và có ý nghĩa nhân văn rất lớn” – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Cần hỗ trợ kịp thời
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, cộng đồng DN trong và ngoài nước tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian gần đây, như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất, nới lỏng tín dụng của hệ thống NH.
“Dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi kế hoạch của DN, các mục tiêu trong năm, mục tiêu dài hạn bị tác động, ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn, giảm thuế VAT, thuế TNDN (giảm 70% trong năm 2021) thuế TNCN (giảm 50 % trong 3 quý cuối năm 2021), hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại, nhằm hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.” – Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm. |
Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2021. Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Tôi cho rằng, những chính sách trên thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với người dân và cộng đồng DN. Nhưng các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cần phải bắt tay vào triển khai ngay, bởi lúc này sau gần 2 năm dịch bệnh cả người dân và DN đã rất “kiệt quệ” rồi. Chúng ta đã làm, rút kinh nghiệm trong năm trước, tránh để sự chậm trễ lặp lại lần nữa” – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết thêm.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến nay 70% DN kinh doanh BĐS không có doanh thu, tạm ngừng hoạt động; 10% doanh thu rất ít chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch buộc phải điều chỉnh, cắt giảm lương, nhóm DN này đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản; 20% DN còn lại vẫn duy trì được doanh thu, nhân sự ổn định, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài cũng sẽ không tránh được suy kiệt tài chính. Vì vậy, cơ chế đã được ban hành, người dân, cộng đồng DN đều mong muốn được thụ hưởng một cách nhanh nhất, đồng bộ nhất như một liều vaccine đặc trị để vượt qua “bạo bệnh” giai đoạn hiện nay.
“Ít nhất khoảng 30% DN BĐS sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này. Với tình hình khó khăn rất lớn như vậy, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời từ Chính phủ để DN vượt qua giai đoạn căng thẳng, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng, hiệu quả hơn sau đại dịch. Qua đó cộng đồng DN nói chung, DN BĐS nói riêng sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.” – Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương. |
Theo Doãn Thành/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/thi-truong-bat-dong-san-ngong-chinh-sach-ho-tro-434760.html
Nguồn: Báo lao động thủ đô