Thị trường bất động sản: Kỳ vọng “làn gió mới”

(TN&MT) – Nguồn cung bất động sản (BĐS) tại khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng trong năm 2023 được các chuyên gia dự báo vẫn sẽ thiếu hụt, đặc biệt là trong quý I/2023. Nguyên nhân do tình trạng vướng mắc về pháp lý kéo dài, nhiều chủ đầu tư dự án chờ tình hình thị trường mới chính thức mở bán…

Thiếu hụt nguồn cung mới

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, ngân hàng chưa nới van tín dụng, lãi suất vẫn trong xu hướng cao, tâm lý người mua nhà đang ở trạng thái chờ đợi…, điều này khiến nhiều chủ đầu tư không mặn mà triển khai dự án mới mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu. Hiện nay, phần lớn vốn đầu tư của các doanh nghiệp BĐS dựa vào vốn vay ngân hàng.

Do đó, khi tín dụng bị kiểm soát chặt, cộng thêm kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết đã làm tắc dòng vốn, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Có rất nhiều dự án không thể triển khai trong năm 2022 mà phải lùi kế hoạch sang năm 2023 do thiếu vốn. Điều này khiến nguồn cung nhà ở càng trở nên khan hiếm hơn, kéo theo giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng, bất chấp thị trường ảm đạm.

Năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục thiếu hụt nguồn cung mới

Trong báo cáo Chiến lược Đầu tư 2023 mới công bố, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, theo kế hoạch của một số chủ đầu tư, nhiều dự án mới có thể bị trì hoãn mở bán trong năm 2023. Dự báo nguồn cung mới căn hộ tại TP.HCM năm 2023 vẫn ở mức thấp với khoảng 19.000 – 20.000 căn, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong khi nguồn cung mới nhà ở xây sẵn tiếp tục ảm đạm ở mức 1.000 – 2.000 căn mở bán vào năm 2023. Giá căn hộ sơ cấp trung bình sẽ giảm 5 – 10% so với cùng kỳ, lượng căn hộ tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Tương tự, theo dự báo của DKRA Việt Nam, năm 2023 nguồn cung mới thị trường nhà chung cư dự kiến sẽ giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Bình Dương. Sức cầu chung của thị trường cũng sẽ tiếp đà giảm từ giữa năm 2022 và có thể sẽ cải thiện dần vào cuối quý IV/2023 khi những vướng mắc về pháp lý dự án và tín dụng vào BĐS hứa hẹn được tháo gỡ một phần.

Sẽ đón nhận nhiều thanh lọc

Nhận định về thị trường BĐS năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là năm mà thị trường phải đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hiện tại, số dự án còn đang chào bán trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2023 thị trường BĐS sẽ đón nhận nhiều sự thanh lọc, cơ cấu cả về nguồn cung và các loại hình.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự thanh lọc mạnh mẽ. Một số phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch… gặp khó khăn khi dòng tiền bị siết chặt, trong khi những dự án của chủ đầu uy tín, pháp lý đầy đủ và các sản phẩm thanh khoản cao sẽ tiếp tục nhận được sự chú ý của nhà đầu tư. Hiện tại, nhà đầu tư cẩn trọng và khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm. Yếu tố pháp lý, chính sách bán hàng và tầm giá hợp lý sẽ càng được quan tâm hơn.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc – Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho hay, vấn đề của thị trường BĐS hiện tại bên cạnh dòng tiền bị tắc do ngân hàng siết chặt vốn vay, thanh khoản thị trường sụt giảm vì thiếu hụt nguồn cung do tình trạng pháp lý khiến các dự án bị ngưng trệ. Bức tranh của thị trường thời gian tới phụ thuộc vào việc tháo gỡ những vướng mắc trên, nhất là vấn đề pháp lý. Thị trường sẽ có sự phân hóa ở các dòng sản phẩm. Giao dịch sẽ tập trung vào các loại hình đáp ứng nhu cầu ở và kinh doanh thật sự. Đây cũng là hướng đi mà các công ty BĐS sẽ tập trung.

“Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ban ngành có liên quan khơi thông dòng vốn; lập Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp; chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Những động thái tích cực từ xu hướng điều hành của Chính phủ kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới giúp cho thị trường BĐS sớm ổn định và trở lại chu kỳ phát triển trong thời gian tới” – ông Phúc nhận định.

Bạn cũng có thể thích