Thị trường bất động sản đang tồn tại lệch pha cung – cầu

(TN&MT) – Thị trường động sản (BĐS) tại TP.HCM đang có sự phát triển mất cân đối, đặc biệt có dấu hiệu lệch pha cung – cầu và thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, nhưng thiếu căn hộ giá rẻ.

thi-truong.jpeg
Thị trường BĐS có dấu hiệu lệch pha cung – cầu, khan hiếm căn hộ giá rẻ

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS tại TP.HCM đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng tích cực, quy mô thị trường BĐS, nhà ở tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Chất lượng đô thị, nhà ở được nâng lên rõ rệt với nhiều tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường và cũng là nơi thể hiện rõ nét nhất tác động của cơ chế thị trường. Tuy vậy, đến nay, thị trường vẫn phát triển thiếu bền vững, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.

HoREA phân tích, thị trường BĐS có dấu hiệu lệch pha cung – cầu, đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của đa số người dân trong xã hội, người có thu nhập trung bình, bao gồm: công chức – viên chức nhà nước, người mới lập nghiệp, công nhân lao động và người nhập cư. “Việc thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở”, HoREA cho hay.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, so với năm 2017, số lượng dự án của năm 2021 trên địa bàn thành phố đã giảm 79,4%. Tương ứng, số lượng nhà ở bung ra thị trường cũng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2021 chỉ có 14.443 căn nhà, giảm 66,5% so với năm 2017. Bên cạnh việc khan hiếm nguồn cung thì thị trường BĐS TP.HCM cũng rơi vào tình trạng chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của số đông là người lao động có thu nhập trung bình, thấp.

Khảo sát của Savills Việt Nam cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022, tại TP.HCM chỉ ghi nhận duy nhất 1 dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với 884 sản phẩm, tương ứng nguồn cung mới theo quý thấp nhất kể từ năm 2013. Nhìn chung cả nước, giá nhà biệt thự đã tăng tới 82% theo năm, đất nền nhiều nơi đã tăng tới 40 – 50%. Đặc biệt, trong 2 năm qua gần như không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nào được cấp phép mới, dù đây là một trong những phân khúc có nhu cầu rất lớn.

Ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường BĐS chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá BĐS được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ở những thị trường lớn như: TP.HCM cùng lúc xuất hiện tình trạng “đói cung” trầm trọng, giá tăng cao. Đó là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường BĐS.

Bạn cũng có thể thích