Thị trường bất động sản đang ở cuối chu kỳ tăng giá?

2 KỊCH BẢN CHO THỊ TRƯỜNG

TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho biết, hầu hết nhà đầu tư đang gặp khó khăn do dịch bệnh, nhất là sau giai đoạn một số thành phố lớn giãn cách kéo dài khiến mọi quyết định xuống tiền vào bất động sản cần suy tính. Tâm lý giằng co có thể đến từ việc các nhà đầu tư lo ngại về việc thị trường có thể đang ở trong giai đoạn đỉnh sóng và cuối chu kỳ tăng giá kéo dài vừa qua.

TS. Hiển cho rằng bất cứ sản phẩm đầu tư về tài chính nào sau một quá trình tăng giá kéo dài sẽ có 02 kịch bản, một là đi ngang, tích lũy để tăng tiếp hoặc nếu xấu hơn thì sẽ xuống một nhịp rồi mới có thể quay lại tăng.

“Thực tế cho thấy, từ khi thị trường BĐS dần tan băng vào năm 2014 và tăng giá liên tục từ năm 2016-2019. Từ năm 2019, nhiều người đã lo lắng nhưng thị trường đã không rớt, chỉ có một số phân khúc đi ngang và tiếp tục tăng. Đến nay, sau chu kỳ 5 năm tăng, giá BĐS có những vùng tăng mạnh, thậm chí 300%, như vậy theo kinh nghiệm sau một xu hướng tăng giá dài hạn sẽ đến lúc tích lũy đi ngang”, TS Hiển nhận định.

Nhận định về những nguy cơ gây trầm lắng cho thị trường bất động sản tại một số phân khúc, TS. Hiển cho rằng chủ yếu đến từ việc trong năm 2020 và 2021 đang có những bất lợi cho BĐS như việc đóng cửa du lịch khiến BĐS du lịch khó khăn. Bên cạnh đó phân khúc căn hộ cho thuê trung cao cấp cũng gặp khó khăn do đội ngũ chuyên gia không sang được Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng cơ hội trên thị trường vẫn sẽ có ở một số phân khúc như đất nền và tại những vùng chưa tăng giá trong thời gian qua với tầm nhìn trung và dài hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Bất động sản
Đầu tư công về hạ tầng sẽ là một trong những động lực chính cho thị trường giai đoạn tới.

XUẤT HIỆN NHỮNG “LỰC ĐỠ”

Nhận định về tiềm năng trong giai đoạn tới, chuyên gia Phan Công Chánh – Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh cho rằng thị trường bất động sản trong giai đoạn tới sẽ không có chuyện giảm, bán tháo, đổ vỡ.

“Qua quan sát cho thấy từ ngày 1/10 khi TP.HCM bắt đầu dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách thì số lượng hồ sơ tồn đọng tại các phòng công chứng tăng lên và các nhà đầu tư cũng bắt đầu đi xử lý. Sắp tới khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế mở cửa dần thì việc di chuyển của các nhà đầu tư từ các đô thị lớn đi các khu vực lân cận sẽ sôi động hơn và hiện nay đội ngũ môi giới đã quay lại với thị trường, tiếp xúc với khác hàng nhiều hơn. Đó là tín hiệu tốt về thị trường”, ông Chánh phân tích.

Nhận định về động lực cho thị trường bất động sản, ông Phan Công Chánh cho rằng thời gian tới, việc đầu tư công được đẩy mạnh, nhìn xa hơn, khi các gói kích thích kinh tế được đưa ra sẽ làm cho dòng tiền đi vào những khu vực có thể sinh lời. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và đã phá đỉnh lịch sử như vừa qua thì rất có thể, sau thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ tìm đến BĐS.

Bên cạnh dòng tiền từ thị trường chứng khoán, ông Chánh cũng cho rằng trong các tháng cuối năm sẽ có một lượng lớn kiều hối được chuyển về nước và đây có thể là một trong những lực đỡ cho thị trường.

Chia sẻ quan điểm trên nhưng TS. Đinh Thế Hiển lại có góc nhìn thận trọng hơn khi cho rằng thị trường BĐS trong các tháng cuối năm không phải để lướt sóng mà tầm nhìn 6 tháng đến 3 năm.

Theo ông Hiển, thời gian tới cơ hội có thể đến từ hai yếu tố gồm quá trình đô thị hóa mạnh và được hưởng lợi từ các yếu tố đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, những nơi triển khai dự án thương mại lớn, dự án khu công nghiệp và đặc biệt là tại các vùng giá chưa tăng nóng trong thời gian qua sẽ còn dư địa để tăng.

Tuy nhiên ông Hiển cho rằng tầm nhìn ít nhất là 6 tháng bởi dự kiến đến hết quý I/2022 thị trường sản xuất kinh doanh mới dần ổn định trở lại, mở cửa du lịch mới đủ câu chuyện để tạo ra xung lực cho thị trường. “Dài hơi hơn, tầm nhìn 3 năm sẽ là cơ hội cho những vùng chưa tăng giá BĐS thời gian qua khi các yếu tố hạ tầng dần được hoàn thiện” – TS. Đinh Thế Hiển khẳng định.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích