Thị trường bất động sản Đà Nẵng trầm lắng

Sau một thời gian tăng nhẹ, bất động sản Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng trầm lắng, ít giao dịch. Tuy nhiên, giá các lô đất tại địa phương này vẫn ở mức cao so với giá trị thực.

Gần nữa năm qua, bà Loan (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) rao bán hơn 400 m2 đất của gia đình để chia cho các con lập nghiệp nhưng vẫn chưa ai mua. Người phụ nữ này rao bán giá 1,15 tỷ đồng/100 m2 đất. “Nếu ai mua cả 400 m2 đất thì tôi sẽ bớt giá một chút”, bà Loan chia sẻ.

Tương tự, nhà ông Nghĩa (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng rao bán 97 m2 đất ở tuyến đường bê tông 3,5 m từ nhiều tháng nay nhưng chưa thành công. Người đàn ông này nói khoảng 3 tháng trước, lô đất trên được khách trả 1,8 tỷ đồng nhưng gia đình không đồng ý.

“Khoảng hơn một tháng nay, lượng khách đến hỏi mua lác đác vài ba người nhưng họ chỉ trả 1,7 tỷ cho lô đất này nên tôi chưa bán”, ông Nghĩa cho hay.

Giao dịch trầm lắng

Theo lời Tiến (một người môi giới bất động sản ở Đà Nẵng), dịp đầu năm, giới “cò đất” hoạt động tấp nập. “Trung bình mỗi ngày, tụi em dẫn 3-4 lượt khách đi xem đất. Mỗi tháng cũng môi giới được vài lô nên hoa hồng cũng khá. Thời gian gần đây, lượng khách hỏi mua ít hơn nhiều. Thị trường bất động sản đang khá trầm lắng”, Tiến chia sẻ.

Ghi nhận tại một số văn phòng giao dịch bất động sản ở quận Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang thì không còn thấy cảnh tấp nập khách đến giao dịch như những tháng đầu năm. Chị Loan, chủ một văn phòng giao dịch bất động sản ở Ngũ Hành Sơn cho hay đang bán khoảng 10 lô đất ở khu vực Hòa Xuân do khách hàng ký gửi.

thi truong bat dong san da nang tram lang
Dù giao dịch tràm lắng, các lô đất có mặt tiền lớn, gần trung tâm Đà Nẵng có giá bán hơn 10 tỷ đồng/lô. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên.

Theo lời người phụ nữ này, trước đây Đà Nẵng rơi vào tình trạng sốt đất nên rất nhiều khách hàng từ Hà Nội, TP.HCM vào mua nhằm “lướt sóng”, bán lại kiếm lời.

“Năm trước, một lô đất ở đường 7,5 m có giá 3,2 tỷ đồng. Họ mua xong nếu có khách thì bán lại khoảng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người không bán được nên ký gửi ở các sàn giao dịch”, chị Loan nói.

Anh Đức Huy, chủ một sàn bất động sản ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), cũng cho biết khoảng 2 tháng nay trung bình mỗi ngày chưa đến 5 khách hàng đến hỏi mua đất hoặc nhờ môi giới. Thực tế này trái ngược với những tháng đầu năm nay, khi giá đất nền ở phía Nam Đà Nẵng tăng khoảng 100-250 triệu đồng/lô.

“Nhiều người tưởng giá đất sẽ sốt nên đổ xô đi mua, dẫn đến giá tăng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang chững lại, giao dịch ảm đạm”, anh Huy nói và cho hay vài tháng nay không “chốt” được một lô đất nền nào.

Giá đất không giảm

Phân tích sâu hơn về các phân khúc bất động sản, giới chuyên gia cho hay ở Đà Nẵng đang có 3 loại gồm: Đất ở vùng ven, đất dự án, đất ở đô thị và phân khúc đất biệt thự ven sông.

Anh Huy cho biết giá đất ở vùng ven thuộc huyện Hòa Vang, khu giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn nhiều nguồn cung. Ở phân khúc này, giá mỗi lô đất dao động khoảng 1,2-1,7 tỷ đồng (tùy vị trí và điều kiện đường sá).

Còn các lô đất ở các dự án thuộc các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn… thì mức giá dao động trung bình khoảng 2-3,5 tỷ đồng.

“Nguồn cung đất ở trong nội thành còn rất ít, giá khoảng 5-10 tỷ đồng/lô. Còn về đất ở kiểu biệt thự ven sông thì giá cả ngất ngưỡng, có lô 10 tỷ nhưng vài chục tỷ một lô cũng có. Nói chung, giá đất ở Đà Nẵng vẫn cao so với mặt bằng chung”, anh Huy thông tin.

Theo báo cáo tháng 7 của CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có lượng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2018 trở về trước. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 18%, giá bán thứ cấp tăng 5-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ ra sao?

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho hay sau đại dịch Covid-19, bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại.

Những tháng còn lại của năm 2022, sức mua bất động sản sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở những khu đô thị quy mô lớn

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam

Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ mở rộng không gian phát triển về phía tây bắc và đông nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh.

Trong đó, khu vực tây bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm nên kết nối thuận lợi với các khu vực lân cận và trung tâm TP.

Theo đó, sẽ có nhiều chủ đầu tư đổ về đây và phát triển các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp… nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch của bộ phận dân cư chất lượng cao về khu vực này, trong đó, phải kể đến nhóm chuyên gia trong và ngoài nước làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

thi truong bat dong san da nang tram lang
Theo dự báo, Đà Nẵng sẽ nở rộ của những dự án ở đô thị ven sông. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trong khi đó, phía đông nam lại sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành chuỗi đô thị – du lịch ven biển, ven sông… Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự nở rộ của những dự án căn hộ hay khu đô thị ven sông, ven biển giai đoạn tới đây được đầu tư chuẩn chỉnh về mặt thiết kế và chất lượng sản phẩm.

“Những tháng còn lại của năm 2022, sức mua bất động sản sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở những khu đô thị quy mô lớn”, bà Dung nhận định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích