Thị trường bất động sản: Có dấu hiệu tăng trở lại

(TN&MT) – Sau thời gian các tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực này bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm mua bán BĐS cũng dần tăng cao.

Phục hồi mạnh mẽ

Theo Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn, tính riêng trong tháng 10/2021, lượng tìm kiếm đất nền trên cả nước tăng trung bình từ 58 – 78%. Riêng khu vực TP.HCM và các tỉnh vệ tinh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố tăng 65 – 105% so với tháng trước đó. Dẫn đầu là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với mức tăng gần 74%. Tại Bình Dương, lượng quan tâm tìm mua nhà đất tại tỉnh này tăng gần 69%. Tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận sức mua BĐS tăng hơn 65%. Tại Long An, nhu cầu tìm mua nhà đất cũng tăng 64%.

Theo Báo cáo thị trường BĐS của DKRA Việt Nam cho thấy, trong tháng 10/2021, toàn thị trường TP.HCM và các vùng phụ cận có 9 dự án mở bán, nguồn cung đạt 649 sản phẩm, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020 (535 sản phẩm) và tăng 6,8 lần so với tháng 9/2021. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 36% (233 sản phẩm), bằng 65% so với cùng kỳ năm trước (359 sản phẩm), tăng hơn 10 lần so với tháng trước.

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực TP.HCM cho rằng, đất nền, nhà phố vùng ven TP.HCM là phân khúc dễ mua dễ bán, với vài trăm triệu đồng, nhà đầu tư có thể tìm được sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, khu vực trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm quỹ đất, giá tăng cao, sự xuất hiện của các đô thị vệ tinh ở các vùng ven được phát triển bởi các tâp đoàn lớn cũng dẫn tâm lý người mua đổ về đây vừa để đầu tư và vừa để tích lũy và đón đầu thời điểm đô thị hóa trong vài năm tới. Xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh lân cận TP.HCM sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Theo các chuyên gia, đất nền, nhà phố vùng ven TP.HCM là những phân khúc dễ mua bán (Ảnh minh họa)

Sức mua đa dạng

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư hiện đang có tâm lý chờ đợi giá BĐS sẽ tốt hơn vào dịp cuối năm 2021 nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư lại lo ngại giá BĐS sẽ tăng sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Thời gian qua, tuy số lượng người đã đổ đi xem BĐS tăng cao nhưng giao dịch chưa đột biến. Thực tế cho thấy, sự khan hiếm của nguồn cung dự án BĐS mới đã khiến giá BĐS được đẩy lên, trong khi nhu cầu nhà ở thực của người dân vẫn cao, các dự án thứ cấp sắp bàn giao sẽ hút khách.

Các chuyên gia dự báo, thị trường BĐS vẫn sẽ là “vùng trũng” hút dòng tiền trong năm 2022. Cụ thể, một số dòng vốn lớn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường BĐS gồm: vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công cũng được cho là sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường BĐS.

Ông Phạm Lâm – Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giả định rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và chúng ta đã xác định sống chung với Covid-19, các hoạt động kinh tế – xã hội – du lịch sẽ từng bước phục hồi. Năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5 – 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước. Qua đó, thị trường BĐS có thể sẽ diễn biến theo hướng như: Nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ. Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua cũng sẽ đa dạng hơn.

“Mặc dù thị trường BĐS có dấu hiệu tăng trưởng, nhà đầu tư cần cân nhắc yếu tố bền vững, cần có kế hoạch tài chính trung và dài hạn mới tính đến việc đầu tư giai đoạn này; đồng thời, cần lựa chọn dự án của chủ đầu tư có uy tín, có pháp lý rõ ràng và phát triển dự án theo quy hoạch vùng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật – xã hội”.

Ông Lê Hoàng Châu

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Bạn cũng có thể thích