Thị trường bánh kẹo Tết: Đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, giá ổn định
Các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất mặt hàng bánh mứt kẹo năm nay đang tung ra thị trường sản phẩm rất đa dạng phong phú, bao bì mẫu mã rất ấn tượng, giá cả, chất lượng hợp lý. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển sang lựa chọn sản phẩm nội địa. Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đáng chú ý, một số sản phẩm hàng Việt còn có khả năng cạnh tranh được với hàng nước ngoài.
Để phục vụ nhân dân Thủ đô dịp Tết Giáp Thìn 2024, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn bánh, mứt, kẹo các loại. Ngoài các sản phẩm mứt truyền thống, Công ty cung cấp ra thị trường các loại mứt hoa quả như mận, hồng bì, hibicus… Các sản phẩm bánh, mứt của Công ty năm nay cũng được thay đổi mẫu mã, hình ảnh bao bì đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.
Ông Vương Trọng Tấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, năm nay dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5 – 12%, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm mang đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Bibica dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 6.200 tấn bánh kẹo các loại với giá tốt, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt trong dịp Tết. Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina cũng đưa ra thị trường 32.000 tấn bánh kẹo phục vụ mùa Tết với tiêu chí quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân, ông Sameer Yadav – Giám đốc Marketing Công ty Mondelez Kinh Đô cho biết, ngoài việc chú trọng bình ổn giá và gia tăng chất lượng sản phẩm, Mondelez Kinh Đô đã đưa hàng đến gần 100.000 điểm bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa trên cả nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Mondelez Kinh Đô cũng được phủ sóng rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, cùng với kênh online của các chuỗi siêu thị Co.opmart, Big C… cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Phân tích về nhu cầu sử dụng bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, dịp Tết người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng ngoại nhập cao cấp để làm quà tặng. Để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập, một số doanh nghiệp Việt đã có nhiều cố gắng trong việc đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điển hình như Công ty Mondelez Kinh Đô, cung ứng cho thị trường Tết 44 loại bánh các nhãn hiệu Orion, Cosy, Lu, Oreo, Solite, Ritz, Afc… Tương tự, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cũng đưa ra thị trường hàng chục chủng loại sản phẩm bánh mứt kẹo đã được chăm chút kỹ về bao bì, mẫu mã, mang đến một diện mạo mới sang trọng.
Ghi nhận tại hệ thống các siêu thị lớn như Hapro/BRG Mart, Big C, Co.opmart, Winmart… các loại bánh mứt kẹo Việt như: Tràng An, Hải Hà, Richy, Kinh Đô, Hà Nội… được trưng bày khá bắt mắt. Đặc biệt, những sản phẩm bánh kẹo do Việt Nam sản xuất cũng chiếm ưu thế trên các kệ hàng. Cụ thể, bánh quy Oreo giá từ 24.500 – 128.000 đồng/hộp, bánh Cosy hộp thiếc từ 100.000 – 141.000 đồng/hộp, bánh quy Lu tùy thuộc vào hộp giấy hay hộp thiếc có giá từ 55.000 – 229.000 đồng/hộp.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho hay, để phục vụ nhu cầu bánh kẹo Tết của người dân, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Bánh kẹo đặc trưng Tết năm nay chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu hàng Việt nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Orion, Hải Hà… Ngoài ra, bánh kẹo hàng nhãn riêng Co.op cũng được giới thiệu với nhiều mức giá ưu đãi khác nhau, chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại.
Bà Phạm Thị Hương, chủ đại lý bánh mứt kẹo trên phố Trần Xuân Soạn quận Hai bà Trưng Hà Nội cho biết, trên thị trường xuất hiện rất nhiều bánh kẹo nhập khẩu từ Nhật, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… nhưng đa số khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn bánh kẹo sản xuất trong nước. Cụ thể là các dòng bánh kẹo mang hương vị Tết cổ truyền, giá thành hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Bên cạnh việc đặt hàng từ các nhà cung cấp trong nước, chúng tôi cũng đặt hàng của các cơ sở sản xuất bánh mứt Tết tại địa phương; trong đó đa phần là sản phẩm làm thủ công, truyền thống như mứt gừng, dừa, bánh hạt dinh dưỡng, ô mai, hạt sen, mứt bí…”, bà Phạm Thị Hương thông tin.
Theo bà Bùi Thị Hằng, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Tết bà thường mua các loại bánh mứt kẹo truyền thống có thương hiệu, vì có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đặc biệt, những năm gần đây các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng đến vấn đề bao bì, mẫu mã đẹp và bắt mắt, cũng rất sang trọng phù hợp để làm quà biếu tặng người thân trong dịp Tết.Nhìn chung, năm nay mặc dù nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng sản phẩm bánh mứt kẹo Tết đều không tăng giá, thậm chí một số loại có giá thấp hơn ngày thường do các nhà cung cấp thực hiện chương trình giảm giá.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu