Thi hành pháp luật về cấp, thoát nước và đề xuất các chính sách trong Luật Cấp, thoát nước
(Xây dựng) – Ngày 2/6, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo “Tổng kết việc thi hành pháp luật về cấp thoát nước và đề xuất các chính sách trong Luật Cấp, thoát nước”.
Các đại biểu tham gia chỉ đạo Hội thảo. |
Xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước là vấn dề quan trọng
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh; Chuyên gia kinh tế cao cấp ngành nước, điều phối viên Ban nước Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Halla Maher Qaddumi.
Bên cạnh đó còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội, tổ chức quốc tế, trường đại học cùng Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh/thành phố phía Bắc…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, góp phần bảo vệ sức khỏe, duy trì và phát triển an sinh xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong các nội dung của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tại Việt Nam như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Đất đai… có quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân đặc biệt về cấp nước, thoát nước. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật cao nhất có đủ tính pháp lý nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm việc cấp nước, thoát nước ổn định, bền vững.
Mặt khác, việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra chưa có đủ chế tài để tổ chức thực hiện và xử lý các vi phạm; cuộc sống và sức khỏe của con người vẫn chưa được pháp luật bảo vệ thông qua việc cấp nước, thoát nước.
Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc cấp nước, thoát nước; trong khi đó, các quy định liên quan đến thích ứng, giảm thiểu và khắc phục tác động của biến đổi khí hậu đến cấp nước, thoát nước còn thiếu, không đồng bộ và đang nằm rải rác ở các Luật có liên quan khác đã hạn chế việc quản lý phát triển cấp nước, thoát nước.
Do vậy, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ: thể chế hóa trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực cấp, thoát nước bằng các Luật như Luật Cấp, thoát nước; tiến hành rà soát, điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước và Định hướng phát triển thoát nước phù hợp với yêu cầu mới của giai đoạn; thực hiện bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, điều tiết các mối quan hệ trong cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước, quản lý dịch vụ cấp, thoát nước…
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo. |
Về dự án Luật Cấp, thoát nước, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng dự án Luật Cấp, thoát nước, trình Quốc hội vào năm 2024-2025.
Sau khi tiến hành triển khai nghiên cứu, rà soát, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan; rà soát, tổng hợp và đánh giá các ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng đã có kết quả sơ bộ nghiên cứu gồm dự thảo đánh giá, tổng kết các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo các vấn đề xây dựng điều chỉnh cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo Đề cương chi tiết Luật điều chỉnh về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; kinh nghiệm quốc tế hiện đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như World Bank, GIZ, JICA hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Về dự thảo Luật Cấp, thoát nước, mục tiêu xây dựng chính là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triến cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khóe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế…
Về quan điểm, thế chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kiểm soát quá trình đầu tư phát triến cấp, thoát nước theo quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triến cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; các quy định của luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật liên quan, thúc đẩy đầu tư, phát triển, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát của Nhà nước….
Về định hướng chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, có 5 chính sách gồm: Phát triển hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Quản lý vận hành công trình cấp, thoát nước; Quản lý dịch vụ cấp, thoát nước; Tài chính trong hoạt động cấp, thoát nước; Quản lý nhà nước về cấp, thoát nước.
Cần có sự thống nhất trong quản lý
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ, ngành, địa phương đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo.
Ông Christophe Lemiere, đại diện World Bank nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước. |
Theo ông Christophe Lemiere, đại diện World Bank, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, đặc biệt là vấn đề về nguồn nước. Do đó, để đạt được mục tiêu của Chính phủ, Việt Nam cần có khung pháp lý vững chắc và sự phối hơp đồng bộ của các Bộ, ngành địa phương và toàn ngành Cấp nước. Luật Cấp, thoát nước tới đây chính là yếu tố quan trọng giải quyết những khó khăn về quản lý nguồn nước.
Tham gia đóng góp ý kiến, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho rằng, hiện nay với doanh nghiệp, các quy định hiện hành còn gây ra bất cập do phải tuân thủ theo nhiều văn bản Luật, Nghị định, Thông tư… của từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trên thực tế, quy định của Việt Nam về cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn vẫn có nhiều tranh chấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Do đó, Công ty đề xuất cần có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Cấp thoát nước với các bộ luật khác. Về phía Công ty cấp thoát nước và xử lý nước thải tỉnh Lạng Sơn, việc vận hành, quản lý cấp thoát nước và xử lý nước thải của doanh nghiệp trực tiếp tại các nhà máy còn gặp nhiều vấn đề.
Còn theo góc độ địa phương, Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết, công tác quản lý Nhà nước tại địa phương vẫn còn vướng mắc. Sở đề xuất xây dựng Luật Cấp, thoát nước trong thời gian sớm nhất; cần có quy hoạch của ngành Cấp nước cụ thể; bám sát các Luật và văn bản khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… xây dựng các chính sách trong Luật Cấp, thoát nước.
Đại diện các doanh nghiệp chỉ rõ khó khăn khi thực hiện quản lý và vận hành các nhà máy nước. |
Về công tác quản lý cấp thoát nước, hiện nay đang có Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia quản lý, do đó các Bộ nên có sự phối hợp, đưa nội dung về một đơn vị quản lý để tránh bị chồng chéo.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cần có sự phân loại rõ ràng cấp, thoát nước; quy định rõ trách nhiệm quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp thoát nước đầy đủ để giúp quá trình quản lý diễn ra thuận lợi…
Nhận định về vấn đề cấp thoát nước, Trưởng bộ môn cấp thoát nước (Đại học Xây dựng Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Việt Anh cho rằng, việc gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp rất quan trọng. Trong dự thảo, cần hướng đến đúng đối tượng ảnh hưởng; xây dựng rõ các nhu cầu về sử dụng nguồn nước; làm rõ quan điểm về thị trường, nguyên tắc thị trường. Về chính sách, nên gọi là 5 nhóm chính sách; phải nhìn về góc độ thị trường, các đối tượng ảnh hưởng; cần đối chiếu với Luật Tài nguyên nước để doanh nghiệp có thể được tiếp cận với nguồn nước dễ dàng; có chính sách về thoát nước mưa; quan điểm, mục tiêu về thoát nước phải đồng bộ; đưa vào công nghệ, chuyển đổi số nhằm khai thác hiệu quả…
Theo các chuyên gia, cần có sự quản lý thống nhất giữa Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Còn Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp Luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến chỉ rõ, cần làm rõ nội dung các chính sách, thống nhất về quản lý giữa hai Bộ, đặc biệt là nội dung về cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn; cần đánh giá sâu về các tác động đối với cấp thoát nước như về kinh tế, xã hội, về giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tổng hợp các ý kiến của đại biểu tham dự và nhấn mạnh, ý kiến đóng góp đã cho thấy sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Cấp, thoát nước trong thời gian tới.
Theo đó, về quan điểm, nên xem xét từ phía người dân, doanh nghiệp; trách nhiệm của người dân về giá nước và phí sinh hoạt; phải có những điểm mới, đặc biệt về trách nhiệm của các bên đối với nguồn nước. Thống nhất nội dung về cấp nước đô thị và nông thôn; thống nhất quan điểm về ranh giới hành chính, đối tượng, các vấn đề khác như phòng cháy chữa cháy; làm rõ nội dung về cấp nước cho từng lĩnh vực.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh đó, cần phát triển cấp thoát nước, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành. Bộ, ngành liên quan sẽ có sự phối hợp triển khai trong quản lý để giải quyết vấn đề chồng chéo. Nâng cao mối quan hệ giữa giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với các tỉnh thành, doanh nghiệp với người dân, sớm xây dựng mô hình, cơ chế quản lý. Ngoài xây dựng chính sách thì cần xây dựng thêm công cụ quản lý, công cụ chuyên ngành cấp thoát nước; lưu ý thêm về quy hoạch…
Việc xây dựng chính sách nhằm quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự khẩn trương và vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn bày tỏ mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, giúp Bộ Xây dựng tổng hợp, hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước.
Nguồn: Báo xây dựng