Thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả
Thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả
Trong quý I/2023, Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) đã tiến hành rà soát tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Việc nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai Luật nhằm tạo cơ sở đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc
Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong lĩnh vực môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT (Thông tư 02) để quy định chi tiết các chính sách bảo đảm việc triển khai thi hành Luật.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, thời gian qua, Vụ Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, thường xuyên trả lời, giải đáp các ý kiến, kiến nghị từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các quy định. Qua đó, Vụ đã tổng hợp các vướng mắc, đề xuất của địa phương về việc sửa đổi để quy định rõ hơn một số chính sách của pháp luật về BVMT, tạo thuận lợi hơn trong công tác triển khai thực hiện.
Trên cơ sở này, lãnh đạo Bộ TN&MT đã phân công Vụ Môi trường chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02.
Về tiến độ sửa đổi Nghị định 08, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết, Vụ đang phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chuẩn bị nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định và cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Dự kiến, Dự thảo đầu tiên sẽ được hoàn thành trong tháng tháng 5/2023 để gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, và chậm nhất tháng 11/2023 có thể trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bên cạnh những nội dung dự thảo theo đề xuất, kiến nghị, Vụ Môi trường đã chủ động triển khai rà soát các quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo pháp luật khác có liên quan đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08. Trên cơ sở đó, Vụ sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ gửi công văn tới các bộ, ngành nhằm bổ sung các đối tượng này vào vào danh mục được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ các cơ chế chính sách về thuế, phí… tạo sự đồng bộ trong Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Vụ Môi trường đang chủ trì xây dựng Thông tư quy định về ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường…
Đảm bảo tiến độ, chất lượng thẩm định Đánh giá tác động môi trường
Một trong những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 08 là giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về môi trường. Theo đó, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm quyền thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với một số loại hình sản xuất kinh doanh. Theo quy định của Luật BVMT, cơ quan nào thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM thì có thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường. Bởi vậy, việc đơn giản hóa về thủ tục hành chính ĐTM cũng sẽ góp phần đơn giản hóa về cấp Giấy phép môi trường. Riêng với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, trong thời gian qua, Vụ Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến công tác thẩm định báo cáo ĐTM và hạn chế thấp nhất tình trạng chậm, muộn.
Năm 2023, Vụ sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ. Cụ thể là trong giai đoạn thi công, xây dựng trước khi vận hành dự án hoặc trước khi được cấp giấy phép môi trường. Để tăng cường chất lượng công tác thẩm định tại các địa phương, thời gian tới, Vụ Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật cho một số loại hình sản xuất tại Việt Nam, trước mắt, năm 2023 tập trung điều tra, thống kê kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với loại hình sản xuất thép.
2023 cũng là năm đầu tiên triển khai các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của các địa phương. Dự kiến, công tác này sẽ được thực hiện tại 6 tỉnh thuộc 3 vùng (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam), làm cơ sở để nhân rộng ra các địa phương trên cả nước trong các năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị