Thi công kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên: Vượt khó để về đích

Khi hoàn thành, dự án kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên giúp tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900ha của khu vực dự án và các khu vực khác có liên quan.

Thi công kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên: Vượt khó để về đích
Công trường Dự án kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên luôn tấp nập phương tiện máy móc, công nhân làm việc. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Gần 6 tháng sau khi khởi công, công trường dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) luôn tấp nập máy móc và công nhân, trải dài suốt tuyến kênh này.

Chủ đầu tư cũng như nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ để 30/4/2025 hoàn thành công trình nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Triển khai đồng loạt

Dưới cái nắng gay gắt giữa tháng Tám, trên công trường dọc tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên luôn tấp nập máy móc, công nhân làm việc. Tại gói thầu XL-08 (đoạn từ cầu Chợ Cầu đến cầu Trường Đai) dài khoảng 2,4km, từng nhóm công nhân tỉ mỉ thực hiện các công việc hai bên bờ kênh thuộc quận 12 và Gò Vấp.

Trên dòng kênh, sà lan chở máy móc liên tục hoạt động cẩu, đóng hạ cừ bê tông cốt thép dự ứng lực SW để xây dựng kè bờ kênh. XL-08 cũng là gói thầu đang có tỷ lệ thi công kè cao nhất trong các gói thầu dọc theo dự án. Hạng mục kè tại đây đã đạt được khoảng 45% từ lúc khởi công. Khu vực trên đã hình thành một đoạn bờ kè cố định chạy dọc theo con kênh.

Ông Mai Văn Lâm, Tư vấn giám sát của Công ty Nhật Minh (gói thầu XL-08) cho biết, việc thi công thực tế đang đảm bảo so với tiến độ đề ra. Trên công trường, nhà thầu huy động tất cả vật tư, máy móc thi công, kể cả ngày lễ hay mưa gió, để làm sao đưa gói thầu về đích theo kế hoạch đề ra. Hiện nhà thầu đang triển khai thi công hạng mục kè, sau đó sẽ thực hiện hạng mục sau kè, đường ống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật…

Cải tạo con kênh này là dự án trọng điểm thuộc Đề án Chống ngập và Xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương-Bến Cát, lưu vực Tây Sài Gòn. Tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Đô thị) làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 7 địa phương: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Dự án sẽ xây dựng bờ kè kênh tổng chiều dài 63km; nạo vét kênh dài 31km; đường giao thông hai bên bờ kênh dài 63km cùng công trình thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cải tạo cảnh quan dọc tuyến…

Khi hoàn thành, dự án giúp tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900ha của khu vực dự án và các khu vực khác có liên quan; chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam thành phố…

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban điều hành dự án 4 (Ban Đô thị), Giám đốc Dự án Xây dựng Hạ tầng và Cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, cho biết hiện nay, 9/10 gói thầu đã được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Trong năm 2023, nhà thầu sẽ triển khai thi công tất cả các hạng mục công trình của các gói thầu trên địa bàn 7 quận, huyện.

Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai các tổ hợp thi công xử lý nền bằng cọc xi măng đất; đóng cọc thử cọc bêtông ly tâm ứng suất trước của các hạng mục kè chống va xe, các hạng mục bến thuyền, hạng mục kè; rung hạ cừ ván bêtông dự ứng lực SW; xây dựng các cống thoát nước đầu rạch cấp 2 để tạo sự kết nối toàn tuyến.

Ngoài ra, dọc công trường trên tuyến còn có các bãi đúc sẵn cọc bê tông cốt thép, sản xuất ống cống thoát nước, hố ga và hào kỹ thuật bằng bêtông cốt thép.

Trong năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thành các hạng mục công trình trên, cùng với đó là hệ thống thoát nước, công trình nền hạ đường giao thông, nền hạ của công viên và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến, qua đó hoàn thành công trình trong năm 2025.

Vượt khó để về đích

Sau hơn 5 tháng thi công thực tế, dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên đã giải ngân được gần 261 tỷ đồng trong tổng số 1.650 tỷ đồng, đạt 15,81% vốn giao năm nay. Dự kiến trong năm 2023, dự án sẽ đạt tỷ lệ 100% theo kế hoạch vốn đã đề ra.

Theo ông Lê Thanh Tùng, do dự án có chiều dài toàn tuyến lớn, đi trong lòng đô thị, trải dài trên địa bàn 7 quận huyện nên cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Trên tuyến có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như cầu giao thông, cống băng ngang kênh, đường ống cấp nước và lưới điện cao thế 110kV, 220kV và 550kV… ảnh hưởng đến dự án.

Dự án này có những thuận lợi nhất định về mặt bằng, khi phần lớn công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện trong giai đoạn 1. Chỉ có gói thầu XL-10, gói xây lắp duy nhất chưa triển khai thi công, công tác giải phóng mặt bằng đang được quận Gò Vấp và Quận 12 thực hiện, dự kiến bàn giao trong năm nay.

Thi công kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên: Vượt khó để về đích
Đến nay, đã có 9/10 gói thầu được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tuy nhiên, do phần lớn mặt bằng đã được bàn giao từ nhiều năm trước, hiện có một số hộ dân có cơi nới thêm lều bạt, kinh doanh, buôn bán lấn chiếm. Chủ đầu tư cho biết việc thu hồi các vị trí mặt bằng trên vẫn cần các địa phương tiếp tục phối hợp hỗ trợ để đảm bảo quá trình thi công.

Ghi nhận tại hiện trường khu vực cầu Tham Lương của dự án XL-06 (đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương), tiếp giáp XL-07 (cầu Tham Lương đến cầu Chợ Cầu), hiện còn một gara ôtô chưa bàn giao mặt bằng.

Theo đại diện chủ đầu tư, hiện địa phương đã xuống ghi nhận và đang phối hợp để sớm giải phóng mặt bằng khu vực này. Bên cạnh đó, trên cầu Tham Lương cũng có đường ống cấp nước lớn, sẽ phải phối hợp xử lý để thi công.

Do triển khai gấp rút để đạt tiến độ, dự án này có khối lượng đất, bùn dư từ quá trình thi công như nền hạ đường giao thông hai bên bờ, nạo vét lòng kênh là rất lớn. Nhu cầu các bãi đổ đất, tiếp nhận đất dư… là vấn đề khó khăn. Hiện chủ đầu tư đang liên hệ với các địa phương, sở ngành hỗ trợ hoàn thiện pháp lý bãi đổ trước khi thực hiện.

Ngoài những khó khăn do đặc thù, dự án còn các khó khăn chung như mùa mưa khiến việc vận chuyển vật tư, vật liệu và thiết bị vào công trường cũng như tổ chức thi công gặp khó khăn, bất lợi.

“Chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công và đơn vị có liên quan đang phối hợp khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công,” ông Lê Thanh Tùng chia sẻ./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích