Thi công cao tốc Bắc – Nam đang gặp khó, lo ngại mốc về đích
(Xây dựng) – Dự án cao tốc Bắc – Nam đang thi công giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đã hoàn thành công tác bồi thường, đạt 100%, bàn giao 652,205/652,86km (đạt 99,9%), còn lại khoảng 0,655km (tại 03 dự án) dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022. Sản lượng trung bình đến nay đạt khoảng 42,8%, chậm khoảng 0,8% so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án yêu cầu hoàn thành năm 2022 gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây hiện đạt sản lượng trung bình 61,3% giá trị hợp đồng, chậm 1,7 so với kế hoạch.
Dự án được giao cho các nhà thầu uy tín và tập trung để bảo đảm tiến độ. |
Chủ đầu tư và các nhà thầu đang gồng mình chịu lỗ
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án (QLDA), các nhà thầu được lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện các Gói thầu xây lắp, dự án BOT thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đã khởi công từ quý IV/2019, với thời hạn hoàn thành trong năm 2022 và quý II/2023.
Ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã tập trung huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư để thi công theo tiến độ trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn khách quan ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện hợp đồng. Điển hình là tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ và các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, thực thi giãn cách xã hội và chỉ cơ bản được kiểm soát, nới lỏng các biện pháp chống dịch sau khi đã bao phủ vaccine đạt trạng thái bình thường mới từ khoảng cuối quý I/2022 đến nay.
Trong suốt thời gian trước đó đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà thầu trong công tác huy động vật tư, thiết bị, nhân lực, vừa thi công vừa phải đảm bảo các biện pháp chống dịch, thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, không phát huy hết công suất thiết bị, giảm hiệu quả thi công đồng thời phát sinh rất nhiều chi phí khác (chi phí xét nghiệm, đơn giá thuê nhân công tăng cao, tiền hỗ trợ nhân công trong thời gian cách ly…).
Khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu chủ yếu
Ngay sau khi khởi công, nhà thầu tập trung triển khai công tác thi công các đoạn đào nền đường, tận dụng điều phối dọc cho các đoạn nền đắp. Nhưng sau khi đã tận dụng hết khối lượng đất đào điều phối, nhà thầu đối diện với tình trạng khó khăn về nguồn cung đất đắp. Chậm trễ trong công tác thi công nền đắp, khiến máy móc thiết bị thi công của nhà thầu đã huy động không phát huy công suất, chờ việc, gây lãng phí, tốn kém rất lớn, đồng thời kéo dài thời gian chờ lún đối với các đoạn xử lý nền đất yếu.
Nguyên nhân là do trong bước lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (TKKT), cơ quan Tư vấn khảo sát và đưa vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ chưa có Giấy phép khai thác mà mới chỉ nằm trong Quy hoạch khai thác của địa phương, thậm chí mới chỉ có trong định hướng quy hoạch khai thác. Trong khi, thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu san lấp thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản, phải qua 9 bước, với thời gian nhanh nhất từ 12 – 15 tháng. Một số mỏ có Giấy phép khai thác, nhưng trữ lượng thấp, công suất khai thác hạn chế, cự ly rất xa công trường, chất lượng không đạt yêu cầu sử dụng thi công công trình cao tốc. Rất nhiều mỏ đất, đá cho cấp phối đá dăm, đá cốt liệu bê tông nhựa muốn sử dụng phải chọn lọc vật liệu, gia công lại sản phẩm đầu ra mới có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án. Nhà thầu phải khảo sát và bổ sung nhiều mỏ mới cách xa công trường, bất lợi về cự ly, đẩy giá vật liệu tại chân công trường lên rất cao (Gói thầu 3XL đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thi công trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhưng phải mua đá sản xuất BTN mỏ Núi Sò, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với cự ly vận chuyển về công trường khoảng 80km). Các gói thầu đồng loạt triển khai thi công, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung cấp có hạn trước đây chỉ cấp cho nhu cầu xây dựng khối lượng nhỏ trên địa bàn.
Những khó khăn về nguồn cung đất đắp chỉ được tháo gỡ một phần, sau khi Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc – Nam tại các Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 (rút ngắn thủ tục không thông qua đấu giá quyền khai thác, đơn giản hóa thủ tục nâng công suất, cấp Giấy phép khai thác cho nhà thầu). Thực hiện theo các Nghị quyết này, rút ngắn thủ tục hành chính từ 1 – 2 tháng.
Thực tế cho đến cuối quý I và đầu quý II/2022 (sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công), các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, sau khi các mỏ vật liệu được cấp Giấy phép khai thác vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất cho chủ mỏ để có thể tiến hành khai thác vật liệu (một số mỏ đất đã được cấp phép khai thác, nhưng vẫn chưa xong thủ tục để khai thác đất).
Ngoài ra, việc đồng thời triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, với khối lượng lớn, trong thời gian ngắn, cũng dẫn tới tình trạng nguồn cung không đáp ứng nhu cầu đối với các loại vật liệu chủ yếu khác. Do các mỏ vật liệu, bãi tập kết trước đây chỉ sản xuất đáp ứng cho nhu cầu xây dựng các công trình có khối lượng nhỏ, rải rác trên phạm vi của địa phương.
Từ ngày 20/6/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng khiến phí vận chuyển tăng chóng mặt. Các chủ mỏ, nhà xe chấp nhận dừng hoạt động, đe dọa đến tiến độ của dự án thời điểm này.
Nguồn: Báo xây dựng