Thêm công cụ mới giúp thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon
Thêm công cụ mới giúp thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon
Công cụ có tên Đăng ký toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ bao gồm dữ liệu của hơn 50.000 giếng dầu và mỏ than đá ở 89 quốc gia, tương đương 75% trữ lượng, sản lượng và lượng phát thải khí toàn cầu.
BNEWS Công cụ có tên Đăng ký toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ bao gồm dữ liệu của hơn 50.000 giếng dầu và mỏ than đá ở 89 quốc gia, tương đương 75% trữ lượng, sản lượng và lượng phát thải khí toàn cầu.
Một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh đầu tiên theo dõi sản lượng, trữ lượng và lượng phát thải của nhiên liệu hóa thạch trên phạm vi toàn cầu đã được ra mắt, cùng thời điểm với các hội nghị về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ).
Theo đó, công cụ mới có tên Đăng ký toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ bao gồm dữ liệu của hơn 50.000 giếng dầu khí và mỏ than đá ở 89 quốc gia, tương đương 75% trữ lượng, sản lượng và lượng phát thải khí toàn cầu. Lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu lớn như vậy được phổ biến công khai với mọi người dùng Internet. Trước đó, cũng đã có một mạng dữ liệu cá nhân tập trung vào mua bán và phân tích mức độ sử dụng và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng sở hữu một cơ sở dữ liệu công khai về dầu mỏ, khí đốt và than đá, song tập trung nhiều hơn vào khía cạnh nhu cầu đối với những nhiên liệu hóa thạch này, trong khi cơ sở dữ liệu mới bao gồm cả nguồn chưa được khai thác. Cơ sở dữ liệu mới do Carbon Tracker, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên tập trung nghiên cứu về tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng đến các thị trường tài chính, và Cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu cùng phát triển.
Thông qua cơ sở dữ liệu mới, người dùng có thể theo dõi trữ lượng than đá, dầu mỏ và khí đốt cũng như quan sát được lượng phát thải CO2 nếu nhiên liệu bị đốt trên phạm vi thế giới, quốc gia hay khu vực.
Người dùng cũng có thể cảm nhận được vai trò của sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nhiều nền kinh tế khác nhau, đồng thời mô phỏng được quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước theo 4 kịch bản: tiếp nối xu hướng hiện tại, các chính phủ cam kết thực hiện, các chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, và thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Cùng với cơ sở dữ liệu, các nhà phát triển cũng đưa ra phân tích kèm theo, nhận định Mỹ và Nga có đủ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch để lấp đầy lượng phát thải carbon còn lại của thế giới. Đây là lượng carbon mà thế giới có thể chấp nhận trước khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C.
Phân tích cũng khẳng định trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ và Nga có thể tạo ra 3.500 tỷ tấn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiều hơn toàn bộ lượng khí phát thải được tạo ra từ giai đoạn Cách mạng Công nghiệp đến nay. Phát biểu họp báo tại lễ ra mắt cơ sở dữ liệu mới, Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình môi trường LHQ (UNEP) khẳng định đây là công cụ hoàn toàn minh bạch, nguồn mở và sẵn có đầu tiên và UNEP sẽ tham gia xây dựng cũng như tận dụng cơ sở dữ liệu mới./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị