Thế mạnh của phụ nữ là tính nhân văn
(Xây dựng) – Là một ngành kỹ thuật đặc thù nên trong ngành Xây dựng phụ nữ chiếm tỷ lệ chưa tới 30% tổng số lao động. Vậy nhưng họ có mặt ở khắp các vai trò, vị trí công tác từ tham gia lãnh đạo ở vị trí Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng các vụ chức năng đến Ủy viên HĐQT; Giám đốc các doanh nghiệp… những vị trí tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông. Nhiều người nghĩ phụ nữ ngành Xây dựng là cần mạnh mẽ? Là khô khan, thiếu nữ tính… Xin thưa, phụ nữ ngành Xây dựng hôm nay đã và đang mang tiêu chuẩn mới của xã hội: đẹp hiện đại, tự tin năng động và dẫn dắt cuộc sống bằng… trái tim yêu thương.
KTS Phan Thị Mỹ Linh – nữ Thứ trưởng đầu tiên phụ trách mảng Quy hoạch kiến trúc của ngành Xây dựng cùng các cộng sự tại 1 dự án. |
Trong các sự kiện hoạt động của Bộ Xây dựng, người ta không còn thấy xa lạ với hình ảnh những bóng hồng xinh đẹp ngồi vị trí chủ trì các cuộc họp lớn. Trong những năm thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, ngành Xây dựng có một nữ Thứ trưởng đầu tiên phụ trách mảng Quy hoạch kiến trúc. Bà là KTS Phan Thị Mỹ Linh con gái chính khách Việt Nam – cố Bộ trưởng Phan Ngọc Tường. Bà Phan Mỹ Linh đã có gần 40 năm công tác trong ngành Xây dựng và hơn 30 năm tuổi Đảng, ghi dấu ấn trong chỉ đạo thực hiện các đồ án quy hoạch, các dự án hạ tầng kỹ thuật cụ thể do Bộ Xây dựng làm đầu mối hoặc chủ đầu tư.
Trong số các Cục vụ chức năng hiện có của Bộ Xây dựng, có những cái tên đã trở nên quen thuộc. Họ là những nữ lãnh đạo chủ chốt như: Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Mai Thị Liên Hương; Phó viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Phạm Thị Nhâm; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh; Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng; Cục phó Cục Hạ tầng Đặng Anh Thư; Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phạm Thị Hồng My; Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Thị Phong Lan…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh – một trong những nữ cán bộ chủ chốt của Bộ Xây dựng. |
Khi được hỏi, có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi không khi mà ngành Xây dựng là một lĩnh vực kỹ thuật mà nhiều người cho rằng rất khô khan và cứng nhắc, đôi khi cũng là khó khăn, thách thức đối với người phụ nữ làm công tác quản lý, chị Mai Thị Liên Hương tự tin chia sẻ: “Theo tôi, khó khăn hay thiệt thòi trong công việc đối với cán bộ nữ chỉ là khái niệm tương đối. Nếu yêu nghề, được làm những công việc mình thích và làm với cái tâm cống hiến vì cuộc sống và sự nghiệp phát triển chung thì sẽ có đủ nghị lực để hoàn thành, cái khó sẽ trở thành cái dễ. Ngược lại, nếu không yêu nghề, không xuất phát từ cái tâm thì việc thuận lợi đến đâu cũng thấy khó khăn, vất vả, thiệt thòi, từ đó việc dễ cũng thành khó. Mỗi người có một sứ mệnh, nhiệm vụ và thế mạnh riêng, nếu trong bất cứ công việc gì, mình luôn làm việc để cống hiến với tinh thần trách nhiệm và sự lạc quan thì không còn cảm thấy khó khăn”.
Không chỉ có ảnh hưởng ở cương vị lãnh đạo quản lý, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng còn có ảnh hưởng lớn với quốc tế. Người phụ nữ Việt lọt vàoTop 100 phụ nữ có ảnh hưởng năm 2020 do BBC bình chọn chính là một nữ kiến trúc sư của ngành Xây dựng Việt Nam – chị Chu Kim Đức.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Chu Kim Đức là thành quả xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam khi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội chuyên ngành Quy hoạch đô thị. Năm 2004, chị tiếp tục sang Pháp học thạc sĩ. Trở về nước, chị theo đuổi giấc mơ gây dựng cho riêng mình một công ty thiết kế sân vườn. Những tưởng với một phụ nữ có trình độ chuyên môn cao thì bấy nhiêu là đủ an bài. Nhưng không, cơ duyên đến khi KTS Chu Kim Đức gặp được một người phụ nữ nước ngoài. Bà đã truyền cảm hứng và tình yêu cho chị bén duyên với sự nghiệp thiết kế xây dựng sân chơi cộng đồng cho trẻ em thành phố. Bắt đầu khởi sự từ năm 2014, đến nay KTS Chu Kim Đức và các công sự thuộc Dự án phát triển sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế đã dành tặng cho cuộc sống hàng ngày trên 300 sân chơi cộng đồng, trong đó mỗi sản phẩm mang một giá trị ý nghĩa đặc biệt: sân chơi trị liệu trong bệnh viện; sân chơi trong từng khu phố… Những nỗ lực và đóng góp tưởng chừng đơn giản nhỏ bé của nữ KTS Chu Kim Đức đã tạo nên hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam nhân hậu, có trách nhiệm với đời trong dư luận quốc tế.
KTS Chu Kim Đức. |
Chia sẻ quan điểm về gia đình và sự nghiệp, KTS Chu Kim Đức bày tỏ: Trong thực tế cuộc sống, luôn có những người phụ nữ vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình. Tôi nghĩ một cách nào đó, áp lực lại tạo ra những người phụ nữ đa năng, có thể nhìn nhận được nhiều thứ, có cái nhìn đa chiều. Từ đó, giúp họ có khả năng ra quyết định tốt hơn, không bị hạn chế trong một góc nhìn. Trở nên đa năng là một việc tốt, không chỉ riêng phụ nữ mà đàn ông cũng nên thế. Bản thân tôi có nguyên tắc là cố gắng không mang công việc về nhà, giải quyết hết tất cả mọi thứ trong giờ hành chính để dành thời gian chăm sóc gia đình. Mình cố gắng giữ nguyên tắc đó, tất nhiên sẽ không đơn giản, nhưng khi đặt ra nguyên tắc thì cố gắng làm theo.
Ở lĩnh vực khác, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) đã chính thức chuyển giao quyền lực sau 35 năm ngồi ghế thuyền trưởng. Trước khi rời thương trường, bà đã để lại một triết lý kinh doanh vô cùng giá trị trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS: Sau đại dịch Covid-19 là cơ hội tốt cho mảng cho thuê văn phòng, mảng cơ điện lạnh phát triển trở lại. Các tòa nhà không bao giờ ngưng hoạt động vĩnh viễn, có chăng chỉ tạm ngưng và sau đó là tăng tốc xây mới. 20 – 30% tiện ích của một tòa nhà phụ thuộc phần lớn vào hệ thống cơ điện lạnh. Nó là “trái tim” của tòa nhà. Một môi trường làm việc thoáng khí, luồng gió luôn tươi mới hay không, phụ thuộc vào thiết kế và trang thiết bị của hệ thống thông gió của tòa nhà mang lại. Các nhà cung cấp cơ điện lạnh phải đưa được nội dung “fresh air” vào từng chi tiết khi cung ứng. Đó cũng là triết lý kinh doanh làm nên thành công của bà. Phải luôn tươi mới, “fresh” liên tục và phải luôn đặt mọi thứ trong tình trạng giám sát kỹ, không nên chủ quan lơ là. Tuy nhiên, với REE, không chỉ có mảng kinh doanh cho thuê BĐS, cơ điện lạnh mà nhiều năm qua đã đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và trở thành mục tiêu dài hạn của công ty này.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, một nghiên cứu đáng quan tâm cho biết, phụ nữ có thể quản lý điều hành mọi ngành nghề, không phân biệt, ngành công nghiệp nặng, cơ khí… Song song đó, cũng có những ngành mà chỉ nữ làm được, nam giới không làm được. Chẳng hạn, các lĩnh vực nhấn mạnh yếu tố nhân văn, con người thì doanh nhân nữ là lợi thế lớn. Chính Liên Hiệp quốc đưa thuật ngữ này vào từ ngữ chính thống từ năm 2019. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố nhân văn, yếu tố con người trong một doanh nghiệp bằng đo lường sự thỏa mãn hài lòng của người lao động, chứ không phải nhắm đến sản phẩm đó. Như vậy, phụ nữ có lợi thế hơn, có cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, tình cảm, thiện chí hơn… nam giới.
Nguồn: Báo xây dựng