Thế giới với những nỗi lo về Covid-19
Thế giới với những nỗi lo về Covid-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 7/9 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 221.951.531 ca mắc COVID-19 và 4.588.200 ca tử vong. Số ca hồi phục là 198.540.821 ca.
Với Châu Á:
Tại Cuba: Theo số liệu thống kê chính thức, tới nay Cuba đã ghi nhận 696.904 ca mắc COVID-19, trong đó 653.102 lượt người đã bình phục và 5.788 ca tử vong.
Cùng ngày, Chính phủ Cuba thông báo kế hoạch mở cửa biên giới vào tháng 11 tới, sau khi hoàn thành cơ bản công tác tiêm chủng.
Tại Ấn Độ: Tính đến ngày 6-9, Ấn Độ đã có hơn 33 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 441.000 người tử vong. Hiện Ấn Độ đã đặt mục tiêu tăng công suất oxy y tế lên 15.000 tấn/ngày trước khi diễn ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba được dự báo rơi vào giữa tháng 9.
Tại Malaysia: Ngày 6-9, các chuyên gia Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến chủng Mu của vi rút SARS-CoV-2 bởi biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao, độc lực mạnh và ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19.
Tại Trung Đông: Bộ Y tế Israel ngày 6/9 đã ban hành cảnh báo đi lại đối với Singapore và Hungary do tình hình lây lan dịch bệnh COVID-19 tại hai quốc gia này, có hiệu lực từ ngày 14/9.
Cũng từ ngày 14/9, Israel sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới Cộng hòa Cyprus, Áo, Uruguay và Gabon trong khi lệnh cấm di chuyển tới Brazil, Bulgaria, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hiệu lực.
Những người nhập cảnh từ tư quốc gia này vào Israel sẽ được yêu cầu tự cách ly bảy ngày tại nơi ở, kể cả những người đã được tiêm vaccine và những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Với Châu Âu:
Tại Phần Lan: Ngày 6-9, chính phủ Phần Lan cho biết nước này sẽ chấm dứt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 một khi đã tiêm phòng cho 80% người dân từ 12 tuổi trở lên. Sau cuộc họp với Nội các về chiến lược chống dịch, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, mục tiêu của nước này là mở cửa và duy trì mở cửa xã hội, trong đó việc tăng phạm vi tiêm chủng là chìa khóa để đạt được điều đó. Phần Lan dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này vào tháng 10.
Tại Anh: Đã ghi nhận 41.192 ca mắc Covid-19 và 45 trường hợp tử vong trong ngày 6-9. Các ca mắc mới kể từ ngày 30-8 đã tăng 12,2% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ chi thêm 5,4 tỷ bảng Anh để giúp Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) trang trải chi phí phát sinh do đại dịch Covid-19 và ứng phó với tình trạng bệnh nhân tồn đọng.
Tại Italia: Ngày 6-9, Italia đã ghi nhận 52 trường hợp tử vong và 3.361 ca mắc mới Covid-19. Các bệnh viện ở nước này đang điều trị cho 4.302 bệnh nhân Covid-19, cộng thêm 32 bệnh nhân đang ở khu chăm sóc đặc biệt. Bộ Y tế Italia cho biết nước này bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 liều tăng cường cho những người dễ bị tổn thương từ tháng này.
Với các nước tại Châu Mỹ:
Tại Mỹ: Tổng số ca mắc COVID-19 là 40.865.794 ca, trong đó có 666.559 ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch khi số ca mắc chiếm hơn 18% tổng số ca mắc trên toàn cầu và số ca tử vong chiếm gần 14%.
Ở khu vực Nam Mỹ: Brazil và Mexico tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mới mỗi ngày. Bộ Y tế Brazil ngày 6/9 thông báo nước này có thêm 9.154 ca mới và 182 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Brazil có hơn 20 triệu ca, trong đó có 583.810 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico công bố thêm 5.127 ca mới và 330 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt 3.433.511 ca và 263.470 ca.
Cảnh báo về dịch COVID-19 được đưa ra ở trường học, ngay cả ở các nước có tỷ lệ tiêm phòng cao:
– Scotland đã ghi nhận các ca nhiễm tăng lên mức cao nhất kể từ khi mở cửa trường học trở lại từ giữa tháng 8 năm nay.
– Israel, vừa cho học sinh quay trở lại trường học vào ngày 1/9, đang hạn chế học sinh ở các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất chuyển sang học online.
– Ở vùng North Rhine-Westphalia của Đức, 30.000 học sinh sinh viên và gần 300 giáo viên ở bang có dân số 18 triệu dân đang chịu giám sát y tế, 2 tuần sau khi trường học mở cửa trở lại. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở nhóm độ tuổi từ 5-19 tuổi cao nhất so bất kể nhóm độ tuổi nào khác.
– Tại Mỹ, học sinh sinh viên quay trở lại lớp học vào tháng trước trong khi biến thể Delta đang hoành hành. Nó đã gây ra hàng chục ổ dịch tại các trường học. Tại một số bang, trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất các ca nhiễm COVID-19 mới.
Theo giáo sư Bhattacharya, giáo sư y khoa và nhà kinh tế sức khỏe tại Đại học Stanford (Mỹ), động cơ quan trọng thúc đẩy trở lại cuộc sống bình thường chính là vaccine. Vaccine đã giảm thiểu tử vong và nhập viện, đặc biệt là đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất – người già và những người có vấn đề sức khỏe từ trước. “Đối với chúng tôi, đó là điểm cuối của đại dịch bởi vì chúng tôi thực sự không thể làm tốt hơn thế” – giáo sư Bhattachary khẳng định.
Chuyên gia Gandhi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California tại San Francisco, cho biết: “COVID-19 sẽ không biến mất. Chúng ta sẽ vẫn mắc phải nó. Một khi khả năng miễn dịch tăng lên, virus sẽ ít gây hại hơn. Mọi người sẽ đối mặt với nó giống như họ bị cảm lạnh thông thường hoặc cúm”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế Julie Swann, chỉ có thể trở lại cuộc sống bình thường khi trẻ em được tiêm chủng, tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra trên diện rộng ít nhất là đầu năm sau. “Trẻ em truyền virus cho nhau, cho gia đình, cho cộng đồng của chúng. Vì vậy, bước đầu tiên để hướng tới cuộc sống bình thường là tiêm chủng cho trẻ em, ít nhất là cho trẻ từ 5 tuổi trở lên”./.
A Hạ (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị