Thế giới rung chuyển suốt 9 ngày sau cơn siêu sóng thần từ Greenland
Thế giới rung chuyển suốt 9 ngày sau cơn siêu sóng thần từ Greenland
Ngày 12/9, các nhà khoa học đã phát hiện ra một trận lở đất và siêu sóng thần tại Greenland vào tháng 9/2023 gây ra bởi biến đổi khí hậu, khiến toàn bộ Trái đất rung chuyển trong 9 ngày.
Cuộc điều tra khoa học đã phát hiện ra 1 trận lở đất và siêu sóng thần ở Greenland, vào tháng 9/2023, do khủng hoảng khí hậu gây ra. Sự việc khiến toàn bộ trái đất rung chuyển trong 9 ngày.
Sự kiện địa chấn đã được các cảm biến động đất trên khắp thế giới phát hiện nhưng ban đầu các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân gây ra nó.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng trên cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đã có tác động ở quy mô hành tinh và các trận lở đất lớn có thể xảy ra, ở những nơi trước đây được cho là ổn định khi nhiệt độ tăng nhanh.
Cụ thể, sự sụp đổ của đỉnh núi cao 1.200m ở vịnh hẹp Dickson ngày 16/9/2023 đã dẫn đến cơn sóng ban đầu cao 200m. Và sự va đập của nước qua lại sau đó trong vịnh hẹp quanh co, tạo ra những cơn sóng thần địa chấn trên khắp hành tinh trong hơn 1 tuần.
Trận lở đất và siêu sóng thần được ghi nhận đầu tiên ở phía đông Greenland. Các vùng Bắc Cực đang bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu nhanh nhất, như phía tây Greenland, Alaska, Canada, Na Uy và Chile, cũng cảm nhận được địa chấn.
Tiến sĩ Kristian Svennevig từ Cục Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland, tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu khoa học này, mọi người đều bối rối và không biết nguyên nhân gây ra địa chấn”.
Tại trạm nghiên cứu trên Đảo Ella, cách trận lở đất 70km, nhiều túp lều đã bị phá hủy. Địa điểm này được những người săn lông thú và nhà thám hiểm thành lập cách đây 2 thế kỷ, sau đó được các nhà khoa học và quân đội Đan Mạch sử dụng, nhưng đã bị bỏ trống vào thời điểm xảy ra sóng thần.
Điều may mắn là vào thời điểm sóng thần xảy ra, một con tàu chở 200 người mắc kẹt gần đó đã được giải cứu kịp thời. Nếu không, những con sóng cao tới 6 m có thể đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Stephen Hicks từ Đại học London, nhóm nghiên cứu gồm 68 nhà khoa học từ 15 quốc gia đã sử dụng dữ liệu địa chấn, hình ảnh vệ tinh và mô phỏng máy tính để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Họ xác định khoảng 25 triệu m3 đá và băng đã đổ xuống vịnh, tạo nên sóng thần khổng lồ. Những con sóng này tiếp tục va đập qua lại trong vịnh suốt nhiều ngày, gây chấn động toàn cầu.
Tiến sĩ Anne Mangeney, một nhà khoa học khác tham gia nghiên cứu, cho biết các mô hình sóng thần trước đây không thể giải thích được hiện tượng kéo dài này, buộc họ phải sử dụng công nghệ mô phỏng độ phân giải cao để hiểu rõ hơn.
Nghiên cứu này chứng minh tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, làm gia tăng nguy cơ các hiện tượng thiên tai như lở đất và sóng thần. Theo tiến sĩ Mangeney, “Trong chưa đầy 1 giờ, sự kiện này đã tạo ra rung động từ Greenland đến Nam Cực, cho thấy rõ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu”.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến trái đất hứng chịu vô số thiên tai khắc nghiệt và ngày càng khó dự báo hơn.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị