Thế giới kết thúc chuỗi 13 tháng nhiệt độ cao kỷ lục
Thế giới kết thúc chuỗi 13 tháng nhiệt độ cao kỷ lục
Theo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, “ngày càng có khả năng” năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, mặc dù tháng 7 vừa qua đã chấm dứt chuỗi 13 tháng ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ hàng tháng.
C3S cho biết từ tháng 6/2023 – 6/2024, tháng nào cũng ghi nhận mức nhiệt trung bình của tháng đó cao nhất trong lịch sử. Tháng 7 vừa qua là tháng 7 nóng thứ 2 trong lịch sử kể từ năm 1940, với nhiệt độ trung bình trên toàn cầu lên tới 16,91 độ C, chỉ kém 0,04 độ C với tháng 7/2023.
Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc C3S, nhận định dù chuỗi nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục 13 tháng liên tiếp đã kết thúc, song sẽ sớm bắt đầu lại do bối cảnh tổng thể không thay đổi và khí hậu vẫn đang ấm lên. Theo bà, những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ trước năm 2023 và sẽ duy trì cho đến khi lượng phát thải ròng về 0.
Báo cáo của C3S cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 1 – 7/2024 cao hơn 0,27 độ C so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, nếu muốn nhiệt độ năm 2024 không vượt qua năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử thì nhiệt độ trung bình các tháng còn lại cần giảm ít nhất 0,23 độ C. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra, nên nhiều khả năng năm 2024 sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Báo cáo cho biết thêm nhiệt độ trung bình trong tháng 7/2024 cao hơn 1,48 độ C so với mức nhiệt trung bình trong giai đoạn từ năm 1850 – 1900 thời điểm trước khi con người bắt đầu sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch. Dù tháng 7 vừa qua là tháng 7 có nhiệt độ trung bình cao thứ 2 trong lịch sử, song có tới 2 ngày (ngày 22 và 23) nóng kỷ lục, với nhiệt độ trung bình toàn cầu lần lượt là 17,16 độ C và 17,15 độ C.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ do hiện tượng El Nino kết thúc và hiện tượng La Nina phát triển trên vùng xích đạo phía đông Thái Bình Dương trong những tháng tới.
Tuy nhiên, xu hướng nhiệt độ trung bình toàn cầu dài hạn vẫn tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu mà con người gây ra, bất chấp các biến số khác thúc đẩy các biến động ngắn hạn.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị