Thế giới đang nỗ lực giải quyết các thách thức về nước sạch
Thế giới đang nỗ lực giải quyết các thách thức về nước sạch
Trong nỗ lực giải quyết các thách thức về nước trên toàn cầu hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững đảm bảo nước sạch, vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030, Tổ chức Nước Toàn cầu được thành lập.
Nước là “huyết mạch” của sự sống song thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc tiếp cận nước sạch.
Trong nỗ lực giải quyết các thách thức về nước trên toàn cầu hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) thứ 6 nhằm đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030, Tổ chức Nước Toàn cầu đã được thành lập.
Thế giới đang ở trong cuộc khủng hoảng nước sạch
Nước là nguồn tài nguyên, là nền tảng cho cuộc sống hằng ngày. Từ sức khỏe tới dinh dưỡng, giáo dục tới cơ sở hạ tầng, nước rất quan trọng đối với mọi khía cạnh của sự sống và phúc lợi của con người, cũng như sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của mọi quốc gia.
Dù 3/4 diện tích bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước song thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc tiếp cận nước sạch. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mặc dù có một số tiến bộ trong những năm gần đây nhưng trên thế giới vẫn có 25% dân số không được tiếp cận với nước uống an toàn.
Gần 50% dân số toàn cầu, tức khoảng 4 tỷ người, sống trong điều kiện vệ sinh cơ bản không đảm bảo. Trên toàn cầu, 44% nước thải hộ gia đình không được xử lý an toàn, trong khi nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém lại là nguyên nhân giết chết hàng triệu người mỗi năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị giảm tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém. Ô nhiễm và thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, các cơ sở vệ sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ và trẻ em gái.
Hiện tại có 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức “căng thẳng cao cực độ” về tài nguyên nước. Điều này có nghĩa là sự mất cân đối giữa việc sử dụng nước và các nguồn nước dự trữ của họ đã lên tới ít nhất 80%. Bahrain, Cyprus, Kuwait, Liban và Oman là những nước phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nhất, đứng đầu danh sách cùng với Chile, Hy Lạp và Tunisia.
Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nhưng họ vẫn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.
Trong khi nguồn cung nước sạch là hữu hạn, trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nước đã và đang không ngừng gia tăng. Nhu cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960, do sự bùng nổ của nông nghiệp tưới tiêu, nhu cầu ngày càng cao về sản xuất năng lượng, các ngành công nghiệp, và sự tăng trưởng của dân số.
Thậm chí, tốc độ gia tăng nhu cầu nước còn nhanh hơn tốc độ tăng dân số toàn cầu. Hiện tượng này được đặc biệt nhận thấy rõ ở các quốc gia đang phát triển.
Một nguy cơ nữa là các hồ chứa nước lớn nhất thế giới hiện đang lưu trữ khoảng 87% lượng nước ngọt của cả thế giới, thì có hơn một nửa đang bị thu hẹp thể tích.
Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng khiến cho tình trạng thiếu nước trên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Nước đang ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh loài người và hầu hết sinh vật sống trong tự nhiên đều cần nước hơn khi các đợt nắng nóng tấn công mạnh hơn.
Dự kiến, sẽ có thêm 1 tỷ người sống trong điều kiện căng thẳng “cực kỳ cao” về nước vào giữa thế kỷ này, ngay cả khi theo một kịch bản lạc quan mức tăng nhiệt độ trung bình được giới hạn trong khoảng từ 1,3°C đến 2,4°C.
Tình trạng khan hiếm nước sạch, nhu cầu về nước ngày càng tăng cùng với việc quản lý kém, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, đã làm gia tăng khủng hoảng về nước trên toàn thế giới.
Cuộc khủng hoảng nước sẽ làm suy yếu an ninh lương thực và y tế, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung năng lượng và các mục tiêu khí hậu.
Thành lập Tổ chức Nước Toàn cầu
Tiếp cận nguồn nước uống sạch và vệ sinh là mục tiêu thứ sáu trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) được Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2015, nhằm đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư và ý chí chính trị hiện nay, khả năng tiếp cận nước và vệ sinh môi trường sẽ không đạt được mục tiêu vào năm 2030. Chỉ 37% người dân ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi được tiếp cận nguồn nước an toàn.
Khả năng tiếp cận ở các quốc gia giàu nhất cũng không đồng đều. Theo Tổ chức WaterAid, để đạt mục tiêu tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào năm 2030, thế giới cần phải tăng đầu tư gấp 3 lần, lên ít nhất 200 tỷ USD/năm.
Nguy cơ không đạt được Mục tiêu SDG thứ 6 cũng gây rủi ro cho việc đạt được các SDG khác, bởi nước có mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng giới và sức khỏe, cùng nhiều vấn đề khác.
Để đáp ứng Mục tiêu SDG thứ 6 đúng hạn, đối với mỗi cá nhân, sự thay đổi có thể tới từ việc tiết kiệm nước và ngừng gây ô nhiễm, bắt đầu bằng những hành động đơn giản như tắm trong thời gian ngắn hơn, không để nước chảy khi đánh răng, ngừng đổ chất thải thực phẩm, dầu ăn, thuốc và hóa chất xuống cống.
Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm địa phương, thực phẩm theo mùa, trồng cây, tham gia dọn dẹp sông, hồ hoặc bãi biển gần nơi sinh sống cũng là những hành động góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.
Dù hành động của mỗi cá nhân là quan trọng, song theo các chuyên gia từ Viện Nước Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), để có sự thay đổi thực sự bền vững, cần có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ cần phải làm việc với nỗ lực gấp nhiều lần, đồng thời cần sự hợp tác giữa nhiều bên, gồm cả khu vực công, tư hay các tổ chức phi chính phủ.
Chính vì vậy, trong một bước đi nhằm tăng cường nỗ lực giải quyết các thách thức về nước, tránh nguy cơ chệch hướng một cách đáng báo động trong tiến trình hướng tới Mục tiêu SDG thứ 6, ngày 4/9, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud thông báo thành lập Tổ chức Nước Toàn cầu có trụ sở tại thủ đô Riyadh.
Tổ chức Nước Toàn cầu sẽ phối hợp với các quốc gia đang đối mặt với những thách thức liên quan đến nước, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực của các chính phủ và tổ chức trong việc đảm bảo nguồn nước toàn cầu bền vững.
Tổ chức này sẽ thúc đẩy thành lập và tài trợ các dự án có mức độ ưu tiên cao, bảo đảm tài nguyên nước bền vững và khả năng tiếp cận của mọi người. Bên cạnh đó, Tổ chức Nước Toàn cầu cũng sẽ đóng vai trò trung tâm trong trao đổi chuyên môn, đồng thời thúc đẩy công nghệ, đổi mới và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển.
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng nỗ lực hợp tác hành động sẽ mang tính bước ngoặt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị