Thay đổi tư duy về năng suất của sinh viên

Đó là chia sẻ của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại buổi tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU) mới đây.

Với mục đích nâng cao nhận thức của sinh viên TDMU về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong giảng đường đại học, cuộc sống và việc làm của bản thân, Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

 Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trao quà cho Trường ĐH Thủ Dầu Một 

Tham dự chương trình, về phía Tổng cục TCĐLCL có TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam; Ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục; Bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2…

Về phía Đại học TDMU có TS. Nguyễn Quốc Cường – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô là trưởng, phó các khoa – viện – trung tâm – phòng ban trực thuộc trường; đại diện các doanh nghiệp ký kết hợp tác toàn diện với TDMU và đông đảo các bạn sinh viên.

Trong bối cảnh hiện nay, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn mang những gam màu ảm đạm, lạm phát cao, lãi suất chưa thực sự giảm, khủng hoảng năng lượng và cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Ukraina chưa giảm nhiệt… là dấu hiệu cho thấy năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch đã bắt đầu triển khai, tuy nhiên, để đạt được lợi thế cạnh tranh cao nhất, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp phải được chú trọng hàng đầu. TS. Nguyễn Quốc Cường cho rằng: “Nâng cao năng suất chất lượng là hoạt động định hướng lâu dài, để đạt hiệu quả cao nhất cần có sự nhất quán từ đào tạo đến thực tế. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của sinh viên – những người sẽ làm năng suất chất lượng trong tương lai là hết sức cần thiết”.

 TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL chia sẻ tại tọa đàm.

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL đã có những chia sẻ thiết thực, thú vị về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng.

Trong đó, TS. Hà Minh Hiệp đặc biệt nhấn mạnh tư duy 5S. Đây là tên gọi của phương pháp quản lý, sắp xếp môi trường làm việc. 5S là từ viết tắt của Seiri (sàng lọc), Seiton (sắp xếp), Seiso (sạch sẽ), Seiketsu (săn sóc) và Shitsuke (sẵn sàng). 

“Nếu vận dụng tư duy 5S vào công việc sẽ tạo được sự ngăn nắp tại từng vị trí làm việc, tiết kiệm thời gian, luôn sẵn sàng cho công việc, giảm thiểu sai sót, phát huy sự sáng tạo của bản thân và tăng hiệu suất lao động. Hơn hết là giảm thiểu lãng phí”, TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ. 

Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp, việc sử dụng tư duy 5S trong sản xuất giúp công ty tránh sản xuất quá mức cần thiết, sản xuất thừa, tồn kho, vận chuyển, chờ đợi, thao tác, sai lỗi… 

“Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao cần sự đồng lòng tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức. Ngược lại đối với cá nhân, cần sống và làm việc có tư duy, thái độ chuyên nghiệp, lâu dần sẽ trở thành thói quen, một tư duy, một cách về năng suất. Khi chúng ta làm việc có tư duy, thái độ chuyên nghiệp, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn, giá trị hơn, lương chúng ta sẽ tốt hơn”, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định.

“5S đơn giản là đào tạo thay đổi nhận thức. Khi đưa tư duy 5S vào trường học chính các bạn sinh viên sẽ làm cho môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Và các bạn làm việc đó một cách vô thức, một cách say mê chứ không phải chúng ta bắt nhau phải làm”, TS. Hà Minh Hiệp nói.

 Tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại trường Đại học TDMU đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng từ phía nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên. 

Bên cạnh đó, TS. Hà Minh Hiệp cũng đề cao vai trò của sinh viên trong nâng cao năng suất quốc gia trong tương lai. “Các bạn sinh viên là nguồn lực lao động trong tương lai, các bạn sẽ là người giúp cho quốc gia này tăng năng suất, giúp các doanh nghiệp tăng năng suất. Do đó, việc nâng cao nhận thức, tư duy của sinh viên về năng suất ngay từ bây giờ là điều hết sức cần thiết”, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Năng suất rất quan trọng vì nó là thước đo hiệu quả của lực lượng lao động trong sản xuất. Nó bao gồm việc sử dụng nguồn nhân lực, máy móc, tài chính và các cơ chế khác nhằm tạo ra nguồn lợi cho việc kinh doanh. Hơn nữa, năng suất cao giúp mọi doanh nghiệp đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Tuy nhiên, hiện không nhiều doanh nghiệp nhận ra điều này và những doanh nghiệp đã nhìn nhận đúng thì đều thành công. Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khoá chính là nâng cao năng suất, cải tiến năng suất.

 Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chụp hình với doanh nghiệp.

“Nguyên nhân cốt lõi của trí tuệ kinh tế và suy giảm sức cạnh tranh nằm ở bốn chữ: giảm sút năng suất. Giải pháp để tư duy một cuộc sống tốt đẹp hơn và luôn đạt được sự tăng trưởng cũng nằm ở bốn chữ: cải tiến năng suất”, đây là câu nói của Jackson Grayson và Carla O’Dell. Từ đó, có thể thấy tầm quan trọng của năng suất trong đời sống, kinh doanh sản xuất là vô cùng lớn, giúp đời sống người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội. Phát biểu tại khai mạc Tháng năng suất, Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng khẳng định “Tập trung vào năng suất sẽ làm cho hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Và ngày mai tốt hơn hôm nay. Đây là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và an ninh”.

Cuối toạ đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại trường Đại học TDMU, nhà trường cam kết sẽ tổ chức xây dựng các câu lạc bộ của trường phối hợp với Tổng cục nhằm giúp các bạn sinh viên có sân chơi đa dạng, bổ ích hơn.

 Các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm đặt nhiều câu hỏi hay trong toạ đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”.

Kim Thoa – Bùi Quý

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích