Thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm may mặc có phải công bố hợp quy bổ sung?
Qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của công dân, doanh nghiệp, một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, công ty này đã được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo phương phức 5, sản phẩm tại thời điểm chứng nhận là quần dài nam. Sau đó công ty cần sản xuất thêm quần soóc nam, quần dài nữ và áo nam theo nhu cầu khách hàng.
Công ty vẫn dùng cùng loại chất liệu, quy trình, chỉ khác kiểu dáng, hình thức cắt may ra thành phẩm. Theo nguyên tắc, các sản phẩm này vẫn phù hợp, không cần lấy mẫu kiểm tra, doanh nghiệp có thể công bố hợp quy. Thực tế thời gian bổ sung/chỉnh sửa tên sản phẩm không thể hoàn tất ngay được khi phát sinh kiểu dáng mới.
Doanh nghiệp thắc mắc, trong khi chờ liên hệ cơ quan chứng nhận chỉnh sửa/bổ sung tên sản phẩm bao trùm phạm vi rộng hơn, công ty bà có thể làm bản công bố bổ sung và bản cam kết tuyên bố sản phẩm có chung tiêu chuẩn sản xuất đã được chứng nhận để sản xuất và lưu hành không?
Ảnh minh hoạ
Theo ý kiến của doanh nghiệp trên, đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp khi bán hàng, do tên ban đầu không lưu ý nên khi thay đổi kiểu dáng một chút mặc dù cùng chung chất liệu, quy trình và tiêu chuẩn sản xuất nhưng khách hàng không hiểu được về mặt chứng nhận, chỉ biết căn cứ trên chứng nhận. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau: Ngày 23/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (QCVN: 01/2017/BCT).
Mục 3.1 của QCVN: 01/2017/BCT quy định, các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này; gắn dấu hợp quy (dấu CR). Các hình thức công bố hợp quy gồm 2 hình thức: (1) Tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất). Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy là phương thức 7 hoặc; (2) Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận/giám định của tổ chức chứng nhận/giám định đã được chỉ định (bên thứ ba). Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy là phương thức 5 hoặc phương thức 7.
Ngày 12/12/2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017. Mẫu Bản công bố hợp chuẩn/công bố hợp quy ban hành kèm theo quy định nội dung công bố “Sản phẩm, hàng hóa, quá trình, dịch vụ, môi trường (tên gọi, kiểu, loại, nhãn hiệu, đặc trưng kỹ thuật,…)”.
Căn cứ các quy định nêu trên, khi sản phẩm, hàng hóa, quá trình, dịch vụ, môi trường đã được công bố hợp chuẩn/công bố hợp quy có sự thay đổi về tên gọi, kiểu, loại, nhãn hiệu, đặc trưng kỹ thuật,… trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam cần được đánh giá và công bố hợp chuẩn/công bố hợp quy.
Căn cứ thông tin do doanh nghiệp cung cấp, Bộ Công Thương hướng dẫn như sau: Để đưa ra tiêu thụ trên thị trường đối với các sản phẩm thay đổi kiểu dáng (cùng chung chất liệu, quy trình và tiêu chuẩn sản xuất với sản phẩm đã được đánh giá và công bố hợp quy), doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách sau. Cách thứ nhất, liên hệ với tổ chức đánh giá sự phù hợp đã thực hiện việc đánh giá phục vụ công bố hợp quy cho các sản phẩm trước đó để thực hiện việc đánh giá và công bố hợp quy mở rộng, bổ sung. Cách thứ 2, tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất) đối với lô sản phẩm thay đổi kiểu dáng.
Phong Lâm