Thay đổi, bổ sung một số điểm mới về tiêu chuẩn an toàn đồ chơi dành cho trẻ nhỏ
Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế ASTM International đã xuất bản bản sửa đổi về Quy định kỹ thuật tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng về an toàn đồ chơi (F963) đã được tiểu ban an toàn đồ chơi (F15.22) phê duyệt.
Thông số kỹ thuật này nhằm mục đích giải quyết các mối nguy hiểm tiềm ẩn của các loại đồ chơi khác nhau mà người dùng có thể không thấy rõ nhưng có thể xuất hiện trong quá trình sản xuất, đóng hàng đem ra thị trường, được sử dụng hoặc ở một mức độ lạm dụng nhất định.
Các bản sửa đổi gần đây nhất tác động đến các yêu cầu kỹ thuật đối với nhiều tính năng của đồ chơi, bao gồm các cập nhật về yêu cầu về khả năng tiếp cận của pin, vật liệu mở rộng, đạn và mức âm thanh của đồ chơi. Bản sửa đổi mới nhất cũng làm rõ các yêu cầu đối với vật liệu làm ra đồ chơi, chất phthalate có trong đồ chơi và nhãn theo dõi.
Theo bà Joan Lawrence, Chủ tịch của tiểu ban ASTM F15.22 cho biết, “F963 đã được công nhận là “tiêu chuẩn vàng” về an toàn đồ chơi và thường được mô phỏng trên toàn thế giới.
Tiểu ban ASTM F15.22 đã tập hợp một nhóm chuyên gia gồm nhiều bên liên quan – bao gồm các chuyên gia y tế và phát triển trẻ em, kỹ sư, chuyên gia hóa học, ngành công nghiệp, phòng thí nghiệm thử nghiệm, các học giả và đại diện người tiêu dùng cùng họp và tập trung phát triển vào các giải pháp dựa trên rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ nhỏ khi sử dụng đồ chơi, bà Lawrence cũng cho biết các tiêu chuẩn an toàn dựa trên dữ liệu, các hồ sơ tiêu chuẩn dành cho đồ chơi đã sẵn có trước đây
Ngoài các sửa đổi trên, đánh giá sắp tới của tiểu ban về các lĩnh vực sản phẩm, bao gồm một số đồ chơi dưới nước, đồ chơi cưỡi ngựa và đồ chơi hạt nước/gel có thể thúc đẩy các sửa đổi tiếp theo đối với tiêu chuẩn.
Tại Việt Nam, liên quan đến vấn đề an toàn đồ chơi cho trẻ nhỏ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố bản quy chuẩn QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
QCVN 3:2019/BKHCN quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.
Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.
QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.
Bảo Linh