Thập tam trại – không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội
(Xây dựng) – Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Loa Thành năm 2021, đồ án “Thập tam trại – không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội” của tác giả Vi Thị Minh Nguyệt (trường Đại học Xây dựng Hà Nội), giải Nhất chuyên ngành Quy hoạch – Kiến trúc, chính là góc nhìn đương đại về lịch sử của một vùng đất văn hiến, cảm hứng từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ nhiều làng nghề truyền thống Thăng Long xưa. Nhìn từ tổng thể đến chi tiết, đồ án có được sự sáng tạo và đạt hiệu quả từ việc lựa chọn đề tài, đến việc đề xuất ý tưởng và sử dụng kiến trúc trong vai trò một nghệ thuật sắp đặt không gian…
Tác giả Vi Thị Minh Nguyệt, trường Đại học Xây dựng Hà Nội bên đồ án “Thập tam trại”. |
Giải thưởng Loa Thành được biết đến là giải thưởng được tổ chức thường niên dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên ngành Kiến trúc và Xây dựng toàn quốc. Giải thưởng nhằm ghi nhận những nỗ lực của sinh viên trong quá trình học tập, thể hiện qua sự sáng tạo, ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại vào trong đồ án tốt nghiệp.
Tham dự Giải thưởng Loa Thành năm 2021, sinh viên Vi Thị Minh Nguyệt, ngành Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã mang đến một công trình kiến trúc mang tính thời đại cao với tên gọi “Thập tam trại – không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội”. Dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Trần Minh Tùng, đồ án của Minh Nguyệt đã xuất sắc đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm nay.
Minh Nguyệt cho biết: Trong lịch sử nước ta đã từng có một Thập Tam Trại, là tên gọi chung chỉ một quần thể các làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Thập tam trại được biết đến từ thời vua Lý Nhân Tông, với truyền thuyết dựng làng Vĩnh Phúc của một dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật. Từ thời nhà Lý đã có các thôn trại: Vạn Bảo, Đại Yên (Đại Bi), Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Giảng Võ, Thủ Lệ, Liễu Nhai (Liễu Giai), Cống Yên. Các làng này đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.
Đồ án được lấy cảm hứng từ Thập Tam Trại trong quá khứ và thực trạng các làng nghề hiện nay. |
Lấy cảm hứng từ Thập Tam Trại trong quá khứ và thực trạng các làng nghề hiện nay, Minh Nguyệt đã đề xuất phương án thiết kế một Thập Tam Trại – không gian trải nghiệm, gìn giữ và phát triển các làng nghề thủ công ở Hà Nội. Tác giả đã không tập trung phục dựng lại những hình thức hoạt động trong quá khứ mà muốn truyền tải một tinh thần xưa qua một không gian đương đại mới.
Chia sẻ với phóng viên, Minh Nguyệt cho biết, các làng nghề ở Hà Nội thời nay, trước làn sóng đô thị hoá đã bị lung lay các giá trị văn hoá truyền thống. Sự xa rời truyền thống có thể sẽ làm mai một bản sắc văn hoá. Lựa chọn và thực hiện đề tài về công trình, kiến trúc văn hóa chính là cách mà Nguyệt thể hiện sự quan tâm của mình về việc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
“Mặc dù lịch sử văn hóa nước ta ảnh hưởng từ nước bạn nhưng không có nghĩa chúng ta không có những giá trị thẩm mỹ riêng biệt. Thông qua đồ án, tôi muốn truyền tải một thông điệp, đó là không bê nguyên quá khứ đặt vào thực tại mà chắt lọc các chất liệu dân gian, sắp xếp, phối trộn những hình ảnh chi tiết, hoa tiết, tạo nên một hình thái kiến trúc có giá trị thẩm mỹ mới”, Minh Nguyệt cho biết.
Thập Tam Trại đồ án đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2021. |
Theo đồ án, Thập tam trại được đề xuất trở thành không gian trải nghiệm, gìn giữ và phát triển các làng nghề thủ công ở Hà Nội. Đây là một hình thức tiếp cận mới, vừa mang giá trị văn hóa lịch sử, vừa mang lại giá trị kinh tế, đồng thời quảng bá những nét đẹp văn hóa với bạn bè quốc tế. Không gian trải nghiệm 13 nhóm làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ trở thành một khu vực cầu nối giúp nhiều người quan tâm và yêu thích những sản phẩm thủ công truyền thống.
Cũng theo tác giả, điểm nổi bật được thể hiện trong đồ án chính là việc các hoa văn, họa tiết, mỹ thuật đặc sắc của thời nhà Lý được tái hiện và sử dụng khi thiết kế không gian. Những hình thái, kiến trúc thời nhà Lý, cấu trúc Trường Lang trong kiến trúc cung đình, các kiến trúc cổ Việt Nam cũng được tác giả xử lý và vận dụng để tạo nên hình thái đường giao thông kết nối giữa các khối công trình, phát triển một kiến trúc xanh mang tính đương đại.
Thiết kế mang trong mình các giá trị văn hóa và lịch sử truyền thống, cùng với đó là các giá trị thời đại. |
“Hiện tại, Hà Nội đang có vị trí là cái nôi của di sản, tuy nhiên đây cũng là thành phố đang trên đà phát triển trở thành một thành phố sáng tạo. Do vậy, Hà Nội rất cần một không gian năng động mà vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống. Với đồ án, tôi mong muốn sẽ có một đơn vị, nhà đầu tư sẽ thi công dự án này thành hiện thực, tạo ra một làng nghề thu nhỏ nằm giữa lòng Thủ đô để những người trẻ tiếp cận, trải nghiệm, từ đó sẽ có cái nhìn sâu sắc về sinh nghề của cha ông ta”, tác giả Minh Nguyệt bày tỏ.
Nguồn: Báo xây dựng