Thắp lên ngọn đuốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sự ghi nhận từ Chính phủ

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ước đạt khoảng 8%; 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng “ngấp nghé” mục tiêu đặt ra. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống khi trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020-2021) kinh tế cả thế giới lao đao, còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,39%.

Những kết quả của năm 2022 có phần đóng góp quan trọng của giới khoa học, từ nghiên cứu, giảng dạy đến phổ biến tri thức khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, nhiệm vụ tăng trưởng những năm tới đây vô cùng nặng nề để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ là tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững.

“Mục tiêu đặt ra rất khó, chúng ta chỉ có thể thực hiện được nếu có những đổi mới đột phá mạnh mẽ, trong đó, yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XIII”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng trong một số lĩnh vực “dư địa” phát triển vẫn còn.

Phân tích kỹ về các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), bài báo khoa học công bố quốc tế, kinh phí chi cho khoa học công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước, trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ có dấu hiệu chững lại trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu phải tăng cường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ cơ bản mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển.

Cụ thể, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ là nghiên cứu để hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều nữa. “Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ”, Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ trì nghiên cứu kỹ những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong các luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ và đề xuất giải pháp, sửa đổi chi tiết, cụ thể.

Hệ thống thông tin quản lý khoa học công nghệ tiếp tục hướng tới công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu…, đặc biệt là khâu phản biện. Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, chính trị, quản lý, nhất là một số đề án lớn như Bộ Lịch sử Việt Nam, Địa chí quốc gia Việt Nam, Bách khoa Toàn thư…

“Bộ Khoa học và Công nghệ đã “thắp lên ngọn đuốc” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), lan tỏa ra các bộ, ngành, địa phương và phải tiếp tục là nòng cốt cho phong trào này”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bước đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về đổi mới sáng tạo, Bộ cần nỗ lực hơn nữa vì đây là trách nhiệm rất nặng nề, phức tạp khi có nhiều chỉ số cần phải cải thiện: Môi trường pháp lý; nhân lực; tỉ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa; hạ tầng môi trường, sinh thái; số bài báo khoa học; xuất khẩu sản phẩm có sở hữu trí tuệ và văn hóa…

“Bộ Khoa học và Công nghệ phải giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành để cải thiện các chỉ số còn thấp để thúc đẩy cả xã hội cùng đổi mới sáng tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý trong xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, bên cạnh các tiêu chí quốc tế nhưng cần tính đến đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền, nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bộ phụ trách lĩnh vực sản xuất, các hiệp hội doanh nghiệp trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp. “Bộ Khoa học và Công nghệ cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ liên quan, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các hiệp hội làm nòng cốt”, Phó Thủ tướng yêu cầu và mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ phát động phong trào đổi mới sáng tạo.

Đối với lĩnh vực Start-up, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào Start-up trong các trường đại học.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn. Trong đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động. “Trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ chú ý đến yếu tố công nghệ, tới đây cần nghiên cứu sâu hơn về khoa học quản lý liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, lực lượng lao động”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành khoa học công nghệ, trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2022, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chính phủ kỳ vọng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo được xung lực mới, cùng với các bộ, ngành khác có bước tiến mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

Những đóng góp to lớn từ khoa học và công nghệ

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, ở lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ, áp dụng có hiệu quả như công nghệ sấy bảo quản nông sản, giảm tổn thất xuống dưới 10% rau quả. Hàng trăm giống cây trồng được lai tạo mới cho năng suất, chất lượng tốt.

Ở lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp, lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm. Nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, nhiều bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả (ung thư vú, tử cung, tuyến giáp). Kỹ thuật ghép tạng – lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao nhất trong y học cũng được các bác sĩ Việt Nam làm chủ. Trong đó kỹ thuật ghép đa tạng tụy – thận đã tạo ra bước đột phá giúp kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đạt trình độ ngang tầm thế giới đã mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin…

Các lĩnh vực an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng… cũng phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Ở các địa phương, khoa học công nghệ thể hiện rõ nét những đóng góp trong phát triển sản phẩm chủ lực, nông nghiệp của vùng, góp phần phát triển kinh tế.

Theo Thứ trưởng Định, năm 2022 ghi dấu ấn mạnh mẽ sự phát triển triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện cả nước có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó là hơn 200 không gian làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Định dẫn con số về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam xếp thứ 54/100 trên bảng xếp hạng toàn cầu do StartupBlink công bố (tăng 5 bậc so với năm ngoái). Ở Đông Nam Á, Việt Nam vươn từ thứ 6 lên thứ 5 và được dự báo có khả năng vượt qua Thái Lan (thứ 4 trong khu vực) trong năm sau, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực như hiện nay.

Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế trong hoạt động của ngành. Trong đó có những bất cập về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông nói và nhìn nhận thị trường khoa học và công nghệ còn chậm phát triển. Hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích