Tháp cổ ở Bình Định, sao lại mang xe cơ giới vào tu bổ?
Ngày 8/3, ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho hay, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án “Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít” ngừng ngay việc đưa phương tiện cơ giới lên thi công san gạt phía trước và khuôn viên tháp chính.
Đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới lên thi công san gạt phía trước và khuôn viên tháp chính. Ảnh: P.H |
“Trong hồ sơ thiết kế thi công dự toán chỉ được phép thi công bằng biện pháp thủ công cho nên sau khi kiểm tra, thanh tra của Sở đã lập biên bản yêu cầu dừng việc đó, đồng thời cũng yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý để kiểm tra lại”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho hay, trước đó, sau khi nghe phán ánh, đồng thời thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Thanh tra của Sở đã phối hợp với UBND xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và các bên liên quan kiểm tra công trình dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp).
Qua buổi làm việc, Thanh tra Sở đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới. Đưa thiết bị máy móc ra khỏi hiện trường.
Ngoài ra, cũng yêu cầu trong quá trình thi công xây dựng tiếp theo phải thi công xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích.
Tháp Bánh Ít đang được xây dựng, tu bổ. Ảnh: T.Đ
Chân tháp có dấu hiệu đào bới. Ảnh: T.Đ
Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Công trình: Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít. Công trình do Sở VH&TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm C, vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2022.
Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Nguồn: Báo xây dựng