Thao tác thừa làm giảm năng suất, không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm
Thao tác thừa làm giảm năng suất, không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ảnh minh họa.
Không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm
Các thao tác, chuyển động của công nhân như đi lại, với lên, với xuống, chuyển dời sản phẩm qua lại, lấy vật tư, dụng cụ đồ nghề… thực sự không cần thiết và hoàn toàn không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thậm chí, điều này còn gây ra phiền toái như hư hỏng hoặc mất mát sản phẩm, kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm dịch vụ, gây thêm các sai lỗi, tốn nhiều nguồn lực…
Bên cạnh đó, thao tác và chuyển động thừa, không hợp lý sẽ làm cho người lao động tốn nhiều sức lực, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và giảm hiệu quả làm việc, tăng các rủi ro về an toàn lao động. Ngoài ra, thao tác thừa còn kéo dài thời gian sản xuất và kéo theo cả chi phí phải trả cho máy móc và con người.
Xét về nguyên nhân gây ra các lãng phí về thao tác, chuyển động, các chuyên gia cho rằng đó là do ý thức, thói quen của người lao động hay ý thức tập trung công việc chưa cao dẫn đến tình trạng lơ là trong công việc. Môi trường làm việc không đảm bảo, không thoải mái cho người lao động cũng dẫn đến việc sao nhãng công việc đang thực hiện.
Khả năng tiếp thu, trình độ học vấn cũng như tay nghề của lao động trong tiếp nhận việc hướng dẫn của người hướng dẫn. Hoặc phương pháp hướng dẫn thao tác chuẩn chưa hợp lý gây khó khăn cho người lao động trong việc tiếp cận hoặc do việc hướng dẫn, truyền đạt của cấp quản lý cho người lao động tham gia trực tiếp sản xuất, cung cấp dịch vụ chưa mang lại hiệu quả để tận dụng tối đa hiệu quả của việc tối ưu hóa và hợp lý hóa các thao tác, chuyển động.
Cấp quản lý chưa tìm ra biện pháp hợp lý hóa thao tác tối ưu sao cho tối đa vận động của cơ thể nhưng lại không gây ra sự mệt mỏi cho người thực hiện. Đồng thời, chưa có nghiên cứu và cải tiến quy trình công nghệ, ứng dụng các phương pháp tiên tiến để rút ngắn thời gian cho những công đoạn khó và đỏi hỏi độ chính xác cao để cải tiến quy trình, thao tác của người lao động tham gia sản xuất, kinh doanh.
Áp dụng nhiều giải pháp
Vì vậy, để loại bỏ lãng phí từ thao tác, chuyển động thừa, các doanh nghiệp có thể áp dụng công cụ nghiên cứu thời gian để xác định thời gian chuẩn hoàn thành một công việc hay nhiệm vụ nào đó. Qua đó phân tích dữ liệu để xác định thời gian cần thiết để thực hiện công việc đạt kết quả mong muốn. Tính toán được thời gian chuẩn cho mỗi công việc đã xác định, doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng yêu cầu đơn hàng của khách hàng, góp phần giảm thời gian chờ đợi khi triển khai một đơn hàng hay dịch vụ.
Mặt khác, thời gian bất hợp lý do chuẩn bị máy móc hay thay đổi sản phẩm là một trong những lãng phí lớn mà doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn bỏ ngỏ, chưa quan tâm, từ đó góp phần vào lãng phí chờ đợi tại doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi một sự cải tiến liên tục trong đó doanh nghiệp không ngừng tìm cách giảm thời gian không tạo ra giá trị gia tăng trong chuyển đổi và chuẩn bị máy móc, thiết bị. Việc kéo dài thời gian chuyển đổi và cài đặt có thể đến từ ba nguyên nhân: yếu tố bên ngoài, yếu tố nội tại và yếu tố không tạo ra giá trị gia tăng. Việc nghiên cứu các yếu tố này sẽ giúp xác định và loại bỏ các lãng phí, thời gian chờ, từ đó nâng cao năng suất lao động.
Áp dụng công cụ quản lý trực quan trong quá trình sản xuất. Quản lý trực quan chính là việc sử dụng hệ thống kiểm soát bằng hình ảnh, tín hiệu, sơ đồ hoặc màu sắc để việc nhận ra các tiêu chuẩn và sự sai lệch khỏi tiêu chuẩn một cách dễ dàng bằng mắt thường. Hệ thống quản lý trực quan sẽ giúp cho người lao động nắm được đầy đủ thông tin về quy trình, tiến độ sản xuất kinh doanh cũng như các thông tin liên quan đến việc xử lý, tiến hành một công việc nào đó. Ngoài ra, để giảm thiểu thời gian chờ trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần liên tục nghiên cứu phương pháp lập và giám sát kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí nhân lực, thiết bị phù hợp theo từng công đoạn.
Thanh Tùng