Thảo luận về Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung và đặc biệt là pháp luật về kinh doanh. Đạo luật này có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội và nhận được sự quan tâm của nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội đã dành tới 4 kỳ họp (bao gồm cả kỳ họp bất thường) để thảo luận và thông qua đạo luật này, cho thấy mức độ thận trọng, cân nhắc kỹ càng của các nhà làm luật đối với các quy định tại Luật Đất đai.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, so với Luật hiện hành, Luật Đất đai 2024 đã tăng thêm 2 Chương, bổ sung mới 78 Điều luật, 180 Điều luật được sửa đổi và bãi bỏ 13 Điều luật. Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 cơ bản đã khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác, bổ sung những hành lang pháp lý còn thiếu đối với một số hoạt động kinh tế; khắc phục một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, Luật Đất đai có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội và nhận được sự quan tâm của nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. |
Ngay sau khi vừa thông qua, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai hội thảo phổ biến về những nội dung Luật Đất đai 2024 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hàng trăm đại biểu tham dự. Điều này cho thấy Luật Đất đai 2024 nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cộng đồng kinh doanh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến, về Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về Chương 4 – Thu hồi đất, Mục 1: Gồm 2 trường hợp thu hồi đất “Vì mục đích Quốc phòng – An ninh và để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy nhiên, hiện chỉ có hướng dẫn trình tự với trường hợp Quốc phòng – An ninh còn trường hợp còn lại thì chưa được đề cập trong khi đây lại là vấn đề các doanh nghiệp rất quan tâm (Điều 29).
Bên cạnh đó, góp ý Mục 4 – Cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi, ông Hiệp cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại một số quy định tại các Điều: Điều 37.2 “Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế trong thời hạn 5 ngày và được thể hiện bằng văn bản”; Điều 45.5; Điều 51; điểm c Điều 58; Điều 67; Điều 70 và Điều 71.
Quang cảnh Hội thảo. |
Về Dự thảo nghị định quy định về giá đất, ông Hiệp cũng cho rằng, Dự thảo có tham chiếu tới 5 Phụ lục (trong đó có các Phụ lục đưa ra ví dụ và hướng dẫn về cách áp dụng từng phương pháp định giá) nhưng không được đính kèm theo Dự thảo. Đồng thời, cũng chỉ rõ một số quy định còn tồn tại, hạn chế và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét.
Quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại Khoản 4 Điều 254 Luật Đất đai năm 2024 quy định về chuyển tiếp đối với Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến vấn đề giá đất bồi thường và giá đất đất giao tái định cư có sự chênh lệch nhau: “Đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành mới có quyết định giao đất tái định cư thì giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư được xác định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trường hợp tại thời điểm có quyết định giao đất tái định cư mà giá đất tái định cư thấp hơn giá đất trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì áp dụng giá đất tại thời điểm ban hành quyết định giao đất tái định cư”.
Quy định nêu trên được sửa đổi theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Cụ thể, trường hợp chậm trễ trong bồi thường, giao đất tái định cư, mà có sự chênh lệch về giá tại thời điểm có quyết định phê duyệt bồi thường, tái định cư với thời điểm được giao đất tái định cư, thì sẽ áp dụng giá ở thời điểm nào có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, quy định nêu trên chưa thực sự chưa chặt chẽ, toàn diện và chưa giải quyết được triệt để các khiếu kiện phát sinh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô