Thảo luận vấn đề kinh tế-xã hội, thí điểm cơ chế phát triển TP.HCM
Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Thực hiện chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục dành ngày 28/10 để thảo luận tại hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận ngày 27/10.
Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nội dung quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra.
Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế…
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm tới, nước ta hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý 3cao, song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý 3/2021, GDP giảm hơn 6%).
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.
Đề cập dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế lưu ý đến việc kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn.
Xếp dỡ container tại Tân Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Liên quan đến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý 1 đạt 1,87%, quý 2 đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.
Với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.
Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.
Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố, phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023; đồng thời đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Nguồn: Báo xây dựng