Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy

Cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020–2022” vừa có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Đoàn giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện các Bộ cho biết trong giai đoạn 2020 – 2022, tình hình kinh tế cả nước được phục hồi và dần tăng trưởng. Tại các thành phố lớn, đô thị hóa diễn ra nhanh kéo theo sự gia tăng về số lượng các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng.

Song song với sự phát triển đó là những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ và sự gia tăng về các tai nạn, sự cố, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở Việt Nam còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập. Các tổ hợp công trình phức hợp, công trình ngầm, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại… gia tăng cả về số lượng và quy mô.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, mức sống người dân được cải thiện, giá trị tài sản mỗi hộ gia đình tăng lên; các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, việc sử dụng nhiên liệu, năng lượng, khí đốt ngày càng nhiều. Những yếu tố trên đã có những tác động không nhỏ tới tình hình cháy, nổ, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết để tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: báo CAND

Tại buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ về tổ chức nghiên cứu phát triển ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy như việc sản xuất những phương tiện nhỏ để phòng cháy, chữa cháy vì đặc điểm đô thị của chúng ta nhiều ngõ nhỏ, hẹp. 

Tuy nhiên, qua giám sát, đại biểu cho biết chưa thấy địa phương nào tiếp cận đến các sản phẩm này. Ông Dũng đề nghị Bộ cần hiện thực hóa vấn đề này, bởi nếu đề tài hiệu quả nhưng không được sử dụng đến thì rất lãng phí. Liên quan Bộ Giao thông vận tải, ông Dũng cho rằng lĩnh vực của bộ quản lý xảy ra rất nhiều vụ cháy chưa cập nhật đầy đủ.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trong đó các bộ chuyên ngành ban hành 41 quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cụ thể như quy chuẩn 06 về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Rà soát để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đánh giá cao Bộ Công an với trách nhiệm tham mưu Chính phủ công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đã đạt rất nhiều kết quả, đặc biệt trong bối cảnh đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, tập trung dân cư ở một số khu vực nhất định…

Tuy nhiên, theo ông, qua giám sát, tất cả địa phương đoàn đến đều “kêu” rất nhiều về Quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình. “Doanh nghiệp kêu nhiều bất cập, khó khăn vướng mắc, áp dụng như quy chuẩn Châu Âu, không phù hợp thực tiễn Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất kinh doanh, nguy cơ giải thể, nhất là những doanh nghiệp FDI, có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp này xã hội hoá rất cao, chăm lo công tác PCCC rất tốt, đầu tư rất bài bản, mua sắm trang bị, phương tiện hiện đại, sử dụng lực lượng từng là lính nghĩa vụ Công an, Quân đội…”, đại biểu dẫn chứng.

Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi quy chuẩn này để tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng đề nghị Chính phủ rà soát phụ lục, cập nhật những vướng mắc, khó khăn trong phòng cháy, chữa cháy. “Rà soát trong gần 240 quy chuẩn, tiêu chuẩn xem cái nào đang khó khăn, vướng mắc, giao trách nhiệm các bộ, ngành khắc phục để giảm thiểu tình hình cháy nổ ở đất nước hiện nay”, ông nói.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm đề nghị báo cáo của Chính phủ cần thể hiện sự gắn kết giữa các bộ, ngành và vai trò của Chính phủ như “nhạc trưởng” để điều hành, kết nối các bộ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu hạn, do công tác phòng cháy, chữa cháy vô cùng quan trọng, liên quan đến “cháy nhà, chết người”, không một bộ, ngành nào có thể làm được hết.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích