Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của QCVN 06:2022/BXD gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng
Mới đây, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học công nghệ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD). Theo đó, QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực từ 16/01/2023 nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng quy chuẩn này đang tồn tại một số vướng mắc, gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng.
Theo ý kiến của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), ngày 5-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì khẩn trương rà soát kịp thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Các quy định, yêu cầu khắt khe cần được rà soát để bảo đảm an toàn cháy phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời vẫn thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra thuận lợi.
Kiểm tra chất lượng bình cứu hỏa. Ảnh minh họa
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tú, Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) cho rằng, khi so sánh giữa yếu tố kinh tế và kỹ thuật cần cân nhắc kỹ. Quy chuẩn không được hạ tiêu chuẩn kỹ thuật xuống bởi trong lúc đầu tư thi công xây dựng có thể bỏ kinh phí cao hơn một chút nhưng lại đảm bảo an toàn, còn hơn khi xảy ra sự cố thì hậu quả có thể thiệt hại lớn hơn nhiều; thậm chí, mất sạch tài sản và nặng nề hơn nữa là liên quan đến an toàn tính mạng của con người.
Về phía ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) cho rằng, trong phòng cháy, chữa cháy thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa cháy” và Quy chuẩn 06 nên chú trọng nội dung này. Ở nước ngoài rất chú trọng yếu tố phòng cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản và con người luôn được khống chế ở mức thấp nhất. Nếu phòng chống tốt thì sẽ đảm bảo được an toàn sinh mạng con người tại các công trình. Theo đó, phòng chống cháy cần là tiêu điểm đặt lên hàng đầu ở quy chuẩn sửa đổi.
Theo chuyên gia này, khi làm việc với 1 số đơn vị tư vấn nước ngoài, họ đều nhận xét quy chuẩn liên quan đến vật liệu của Việt Nam cao quá, ví dụ như sơn chống cháy, khiến bài toán kinh tế và chi phí công trình bị đội lên nhiều. Hay như kính dùng cho công trình nhà ở xã hội cũng vậy, chủng loại kính chịu nhiệt nhưng gioăng và phụ kiện lại không đáp ứng được…
Bởi vậy, để đáp ứng được tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì chi phí xây dựng, hoàn thiện công trình “đội” lên cao quá khiến chủ đầu tư gặp khó. Do đó, theo ông Tuấn Anh, cần tăng cường yếu tố phòng chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.
Đại diện Ban soạn thảo sửa đổi QCVN 06:2022/BXD, Tiến sỹ Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cũng nêu một số khó khăn, bất cập khi sửa QCVN 06: 2022/BXD đó là Quy chuẩn này do Bộ Xây dựng ban hành nhưng lại do Bộ Công an thực thi. Trong quá trình thực hiện, khi giao thoa có sự không đồng nhất giữa ý đồ ban hành và khâu thực thi không thể giải quyết hết được. Chưa kể, năng lực thực thi, từ khâu kiểm định, thí nghiệm… cũng có độ trễ so với yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Từ thực tế đó, Ban soạn thảo kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD, biên soạn mới hoặc sửa đổi các Tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp. Đặc biệt, các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy ngay từ khi bắt đầu thiết kế; lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp.
Hà My (t/h)