Tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng
(Xây dựng) – Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng” – là một trong những giải pháp được TS Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng nhấn mạnh tại Tọa đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng”, do Báo Xây dựng vừa tổ chức.
Tổng cầu xi măng toàn xã hội giảm
Chia sẻ về khó khăn của ngành Xi măng, TS Nguyễn Quang Hiệp – Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Các ngành sản xuất vật liệu đều gặp khó khăn, trong đó có sản xuất xi măng. Hiện 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước; nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng qua, cả nước sản xuất hơn 80 triệu tấn xi măng, trong đó 52 triệu tấn tiêu thụ trong nước, 29 triệu tấn xuất khẩu, so sánh cùng kỳ năm 2022, sản xuất xi măng giảm 12%, tiêu thụ trong nước giảm 16%.
Ông Đào Nguyên Khánh – Trưởng bộ phận Phát triển bền vững và truyền thông DN Insee Việt Nam chia sẻ: Những năm qua, liên tiếp các “cú sốc” với ngành Xi măng, do ảnh hưởng nặng của dịch Covid – 19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, năm 2023 BĐS khó khăn khiến tổng cầu xi măng toàn xã hội giảm. Là DN liên doanh, không xuất khẩu, nên tiêu thụ của Insee Việt Nam phụ thuộc vào thị trường nội địa. Theo tính toán của bộ phận thị trường Insee, năm 2023, tiêu thụ xi măng sụt giảm đến 35%, là năm tiêu thụ thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm của Insee Việt Nam.
Nguyên nhân cầu xi măng giảm
Phân tích khó khăn, thách thức của ngành Xi măng, PGS.TS Lương Đức Long – Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định: Những năm 1990, ngành Xi măng Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, cả nước sản xuất trên 3 triệu tấn xi măng. Khi bước vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, xi măng là bánh mỳ của ngành Xây dựng. Nhà nước quy hoạch xi măng và kêu gọi, khuyến khích, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy để có xi măng xây dựng hạ tầng cho đất nước. Nhiều nhà máy xi măng được đầu tư trong giai đoạn này. Trước năm 2010, nước ta phải nhập khẩu xi măng; đến năm 2010, năng lực sản xuất xi măng cân bằng cung cầu.
“Khi xây dựng quy hoạch xi măng, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1488/QĐ-TTg, tính toán nhu cầu xi măng để xây dựng đất nước đến năm 2020 khoảng 90 – 95 triệu tấn/năm. Trong quy hoạch phê duyệt giai đoạn 2022 – 2025 sẽ dành một phần xuất khẩu. Nếu xi măng tiêu thụ đúng như dự báo thì không dư thừa. Thực tế, từ 2011 – 2022 năng lực sản xuất xi măng tăng, nhưng xi măng tiêu thụ nội địa tăng trung bình 1,6%/năm. Sự hấp thụ xi măng không như tính toán nên cung vượt cầu, các nhà máy phải xuất khẩu, năm xuất khẩu nhiều nhất (2021), chúng ta xuất khẩu đến 45,7 triệu tấn, tương đương 42% sản lượng sản xuất” – PGS.TS Long nhấn mạnh.
“Năm 2020 đánh dấu tác động lớn là dịch Covid – 19, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, ảnh hưởng nhiều tới DN. Năm 2023, DN xi măng chịu bất lợi thuế xuất khẩu clinker, tăng từ 5% lên 10%, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng, khiến khó khăn chồng chất khó khăn” – PGS.TS Lương Đức Long cho biết
Lý giải nguyên nhân khiến tiêu thụ xi măng giảm, TS Nguyễn Quang Hiệp phân tích: Cầu xi măng giảm do sự sụt giảm của thị trường BĐS, DN BĐS gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, vốn… dẫn đến dự án bị đình trệ, giãn hoãn tiến độ; Tiến độ đầu tư công chậm…
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?
Để giúp ngành Xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.
Về mặt chính sách thuế, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm, giúp DN xi măng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.
Về chính sách đầu tư, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở địa bàn nền đất yếu, thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ…
Đồng quan điểm với TS Hiệp, phân tích về cầu cạn, TS Trần Bá Việt – nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, thành viên Viện Bê tông Hoa Kỳ nhấn mạnh: Con số chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn đắt gấp 2,62 lần so với đường đắp là do Bộ Xây dựng đưa ra, dựa trên số liệu trung bình cầu cạn xây dựng dầm subedit, dầm 33 – 38 m, bê tông cốt thép cộng cọc khoan nhồi, chiều cao 2,5 m, đất yếu mỏng. Nhưng Bộ GTVT cần tính từng đoạn tuyến cụ thể mới ra được con số chính xác.
Thông thường phương án xây dựng cầu cạn dầm subedit khoảng 1,6 lần; dùng Bê tông tính năng cao hay bê tông hiệu năng cao – HPC (High Performance Concrete) cọc khoan nhồi ống nhòm thì gấp 1,3 lần.
“Miền Tây thiếu cát, tuyến Cần Thơ – Cà Mau mới có 13,5% cát san lấp, rồi chờ sụt lún… Giải pháp cầu cạn bê tông HPC, cọ khoan nhồi ống nhòm, là giải pháp duy nhất đúng với vùng đất yếu này” – TS Việt khẳng định.
Đai diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Giờ nước ta có tiềm lực kinh tế tốt, đủ xi măng chất lượng, thép có, đất đắp nền đường thì thiếu nhưng cốt liệu làm bê tông xây dựng cầu cạn là không thiếu. Thiếu cát, chúng ta có thể sử dụng cát nghiền, đã có tiêu chuẩn. Phân tích như vậy để thấy rất nhiều thuận lợi để triển khai xây dựng cầu cạn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các chuyên gia cho rằng, DN xi măng cần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng nhiệt thừa phát điện; sử dụng rác, phế thải để làm nhiên liệu đốt thay thế than, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, chủ động phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường. DN cần đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xi măng xanh, hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trong khó khăn, DN biến nguy thành cơ, đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất, Ban Giám đốc công ty cải tiến quyết liệt, quyết định dừng 1 trạm nghiền để tối ưu hóa chi phí, đồng thời gia tăng xử lý chất thải, tăng tỷ lệ thay thế nhiệt. Trạm nghiền Hòn Chông đạt kỷ lục mới, giảm chi phí và biến phí lớn. Đó là những giải pháp Insee Việt Nam thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nguồn: Báo xây dựng