Tháo gỡ khó khăn chính sách, khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS

Ngày 13/9 đã diễn ra Diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường BĐS” do Báo Công Thương tổ chức. Các chuyên gia chia sẻ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS Việt Nam, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra những biện pháp cụ thể về chính sách tín dụng, vốn cho thị trường BĐS.

Diễn đàn có sự tham dự của TS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cùng hơn 200 đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, ngân hàng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương chia sẻ, với vai trò là diễn đàn của giới công thương Việt Nam, Báo Công Thương luôn mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân góp tiếng nói tháo gỡ những khó khăn từ những “điểm nóng” của nền kinh tế đất nước. Việc tổ chức Diễn đàn này góp phần thực hiện điều đó.

pho-tong-bien-tap-bao-cong-thuong.jpg
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu khai mạc.

Những điểm nghẽn “gỡ mãi chưa thông” 

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương về đất đai một lần nữa khẳng định: “Thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả”.

Nhận thức rõ sự cấp bách phải giải bài toán thị trường BĐS, ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, Chính phủ đánh giá đóng góp thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp của ngành BĐS chiếm khoảng 4,5% GDP.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua sự phát triển của lĩnh vực BĐS cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường BĐS còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; việc phát triển các dự án BĐS ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; trình tự thủ tục đầu tư còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài.

Trong khi đó, nguồn cung BĐS ngày càng giảm. 6 tháng đầu năm chỉ có khoảng 12.000 nhà ở thương mại được hoàn thành. Tính riêng Quý I chỉ có thêm 39 dự án nhà ở thương mại mới được chấp thuận đầu tư. 56 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.

Nguồn cung thấp dẫn đến giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%. Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án cũng tăng trung bình 15-20%. Giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Một nguyên nhân khác cũng tác động không tốt đến thị trường BĐS là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm 2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 25,68% kế hoạch năm.

dien-dan-thao-go-kh-khan-bds.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia tập trung chia sẻ những góc nhìn, quan điểm để tháo gỡ những khó khăn cho loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, vấn đề cần xử lý là làm sao cho luật không chồng chéo và cần xây dựng luật nền tảng, luật cơ bản.

“Việt Nam đang bùng nổ, người Việt Nam nhanh nhạy đón bắt đầu cơ về bùng nổ du lịch. Muốn bùng nổ du lịch cần có vốn, huy động nguồn vốn từ xã hội vô cùng nhiều, việc huy động nguồn vốn này cũng như chia sẻ lợi ích của người dân. Nếu hệ thống pháp luật ổn định thì nhiều nhà đầu tư chia sẻ lợi ích sẽ rất tốt cho người dân”, ông Thiên nhấn mạnh.

Từ góc độ của doanh nghiệp đầu tư, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNGroup thẳng thắn bày tỏ kiến nghị cụ thể về quản lý nhà nước đối với loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng: “Với mỗi dự án BĐS thì vấn đề quy hoạch rất quan trọng. Thực tiễn, ở mỗi tỉnh, địa phương đều có quy hoạch chung và trong quy hoạch chung sẽ có quy hoạch riêng về đất đai. Tuy nhiên, nhiều địa phương do không quy hoạch kỹ và thiếu tư vấn dẫn tới triển khai một số dự án không phù hợp. Do vậy, cần phải quan tâm chú trọng nhiều hơn đến vấn đề này. Mỗi địa phương, có quan quản lý cần cố gắng tối giản hơn về chính sách để cho mọi hoạt động của doanh nghiệp không bị tắc nghẽn vì cơ chế, chính sách.”

Ông Thành đồng thời cho rằng, mỗi nhà đầu tư đến với địa phương là tạo động lực, mang lại các giá trị tích cực đối với sự phát triển kinh tế cho địa phương đó. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải được tạo điều kiện hay chúng ta thường gọi là trải thảm để hai bên cùng có lợi, và làm sao thay đổi quan điểm xin cho đối với nhà đầu tư.

Chính sách tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp liệu có khơi thông cho thị trường BĐS?

Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, năm nay câu chuyện vốn trở thành vấn đề nóng của kinh tế và doanh nghiệp. Điểm tích cực là nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên rõ rệt, nhu cầu thực về vốn của doanh nghiệp, người dân tốt hơn những năm trước. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã cấp tiếp hạn mức tín dụng cho vay để các tổ chức tín dụng cho vay tiếp các dự án còn dở dang. 

Tín dụng BĐS vẫn tăng tích cưc, từ đầu năm đến nay tăng 14%, trong đó tín dụng với phân khúc nhà ở tăng 17% và BĐS đầu tư trên 8%. Hiện tín dụng cho vay BĐS chiếm 20,6% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế, với mức này vẫn còn dư địa để tiếp tục cho vay BĐS, vì các quốc gia khác trên thế giới thông thường chiếm 28-30% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

dien-dan-thao-go-kh-khan-bds-2.jpg
Các chuyên gia tại Diễn đàn.

Tuy nhiên theo ông Lực, doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng, vì rủi ro hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Vũ Văn Thành chia sẻ thêm: “Thời gian qua có những bất cập trong một số dự án đầu tư BĐS, song chúng ta không nên đánh đồng các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng yếu kém mà có nhiều doanh nghiệp rất chắc chắn, đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Thiết nghĩ, khi có nảy sinh những khó khăn, các đơn vị tài chính, ngân hàng cần có cách xử lý phù hợp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của doanh nghiệp.”

Đưa ra góc nhìn khách quan về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Ngân hàng là người tính toán tổng thể, và họ phải tính toán rủi ro. Doanh nghiệp cũng cần phải hiểu tình thế như vậy, chứ không phải mình thiếu vốn mà họ không cho vay thì có thái độ tiêu cực. Hiện nay chúng ta cứ tập trung vào vốn tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng cơ bản bảo đảm vốn ngắn hạn. Cần thay đổi cấu trúc thị trường tiền tệ, thị trường vốn để đảm bảo cấu trúc này bớt rủi ro nhất.”

Làm chính sách không nên “quay xe” đột ngột, cần có chế tài chuyên biệt cho thị trường BĐS

Bàn về các hướng giải pháp cho vấn đề cân bằng cung cầu, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm, chính sách thay đổi cần có thời gian “thở” cho doanh nghiệp.Một trong những việc quan trọng mà tôi ghi nhận được khi họp Chính phủ mà có sự có tham gia của Thủ tướng đó là làm chính sách không có sự “quay xe” đột ngột. Làm chính sách thì phải dự báo được, nhất là lúc này tình thế bất thường, doanh nghiệp sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 đang còn yếu. Tính mệnh lệnh hành chính đe dọa doanh nghiệp cá nhân nặng lắm. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà hoạt định chính sách biết cách ứng xử với nền kinh tế và với các doanh nghiệp”, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.

Các chuyên gia cũng ghi nhận, một trong những giải pháp đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm chú ý đó là Nghị định 53 trái phiếu doanh nghiệp, làm sao để không bị ắch tắc, dừng đột ngột để doanh nghiệp có thể nối được dòng chảy vốn vì đây là nguồn vốn dài hạn. Tinh thần chỉnh sửa Nghị định 18 cũng là sự đảm bảo cho các dự án tốt, các doanh nghiệp tín nhiệm được tiếp cận nguồn vốn này được dễ dàng. Các điểm này sẽ giúp thị trường BĐS không chỉ khôi phục tốt hơn mà còn có bước tiến mạnh.

“Theo tôi việc đầu tiên cần làm là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, vì nếu lạm phát tăng thì sẽ gây biến động mạnh, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, thúc đẩy Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nếu làm được sẽ tạo cơ hội tháo gỡ cho thị trường BĐS.

Ngoài ra, để phát triển thị trường BĐS, chúng ta cần nghiên cứu để có 1 số chế tài chính chuyên biệt cho BĐS. Có quỹ đầu tư phát triển nhà ở, quỹ sẽ có cơ chế, chính sách cực kỳ rõ ràng để vận hành quỹ”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ cuối Diễn đàn./.

Bạn cũng có thể thích