Tháo gỡ bất cập trong sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TĐC địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Trong quá trình triển khai Luật CLSPHH cho đến hiện nay, một số nội dung cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

“Nếu không sửa đổi Luật CLSPHH một cách căn bản để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì hoạt động của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục còn nhiều bất cập”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, nội dung sửa đổi Luật CLSPHH tập trung vào 4 chính sách, trong đó chính sách quan trọng nhất là hạ tầng chất lượng quốc gia hướng đến phát triển bền vững. Hạ tầng chất lượng quốc gia không chỉ đơn thuần làthử nghiệm, chứng nhận, công nhận mà còn gắn với hoạt động về tiêu chuẩn hóa và đo lường. Luật CLSPHH dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2025. 

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tham luận về các nội sung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy cho biết, các chính sách đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH gồm 4 chính sách: Thứ nhất là sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH; Thứ hai là ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc SPHH; Thứ ba là phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Thứ tư là tăng cường tính hiệu quả của hoạt động QLCL SPHH, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Cũng theo bà Hương nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH được chia làm 9 nhóm nội dung. Trong đó, nhóm nội dung 1 là các thuật ngữ, định nghĩa về “Sản phẩm; Hàng hoá; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tổ chức, cá nhân SXKD; Thử nghiệm kiểm chứng; Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về ĐGSPH; Mã vạch; Mã số; Nhãn điện tử; Thống nhất với Luật SĐBS Luật TC&QCKT” được thay đổi về cơ bản.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy.

Nhóm nội dung 2 về Quản lý SPHH nhóm 2 sửa đổi Điều 5, việc sửa đổi bổ sung danh mục SPHH nhóm 2 thực hiện theo thủ tục rút gọn của Luật BHVBQPPL; Ở nhóm nội dung 3 về Chính sách của Nhà nước là sửa đổi Điều 6; Nhóm nội dung 4 về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) bổ sung Điều 7a; Nhóm nội dung 5 về Ứng dụng công nghệ trong QLCL SPHH bổ sung Điều 7b; Nhóm nội dung 6 về hoạt động ĐGSPH bổ sung Điều 25; Nhóm nội dung 7 về quản lý chất lượng SPHH; Nhóm nội dung 8 về phân công, phân cấp quản lý CLSPHH; Nhóm nội dung 9 bãi bỏ một số điều, khoản quy định tại Luật CLSPHH.

Cũng tại hội thảo, báo cáo rà soát các văn bản liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật CLSPHH, ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy cho biết, đến nay đã rà soát 75 Luật, Bộ luật, trong đó, 56 Luật, Bộ luật có nội dung QPPL về quản lý chất lượng, ĐGSPH, chia làm 9 nhóm bao gồm: Nhóm 1 các luật về dân sự gồm Bộ luật Dân sự; Nhóm 2 các luật về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, xây dựng, nhà ở, công nghiệp gồm Bộ luật hàng hải và 10 luật: (1) Luật Xây dựng, (2) Luật Thủy lợi, (3) Luật Đường sắt, (4) Luật Giao thông đường thủy nội địa, (5) Luật Giao thông đường bộ, (6) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, (7) Luật Điện lực, (8) Luật Viễn thông, (9) Luật Hóa chất, (10) Luật Dầu khí; Nhóm 3 – luật về nông nghiệp gồm 07 luật: (1) Luật Đê điều, (2) Luật Lâm nghiệp, (3) Luật Thủy sản, (4) Luật Trồng trọt, (5) Luật Chăn nuôi, (6) Luật Thú y, (7) Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

Ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy.

Nhóm 4 – luật về khoa học, công nghệ, thông tin gồm 05 luật: (1) Luật Chuyển giao công nghệ; (3) Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, (4) Luật Công nghệ thông tin, (5) Luật Giao dịch điện tử; Nhóm 5 – các luật về đầu tư, thương mại, phí và lệ phí gồm 06 luật: (1) Luật Đầu tư, (2) Luật Thương mại, (3) Luật Quảng cáo, (4) Luật Quản lý ngoại thương, (5) Luật Phí và lệ phí, (6) Luật Hải quan; Nhóm 6 – các luật về quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước gồm 06 luật: (1) Luật Dự trữ quốc gia, (2) Luật An toàn thông tin mạng, (3) Luật Phòng cháy và chữa cháy (4) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, (5) Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, (6) Luật An ninh mạng; Nhóm 7 – các luật về xã hội có 07 luật: (1) Luật Xuất bản, (2) Luật Dược, (3) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, (4) Luật An toàn, vệ sinh lao động, (4) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, (5) Luật An toàn thực phẩm, (6) Luật Tần số vô tuyến điện, (7) Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nhóm 8 – các luật về tài nguyên, môi trường có 05 luật: (1) Luật Bảo vệ môi trường, (2) Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (3) Luật Tài nguyên nước, (4) Luật Đo đạc và bản đồ, (5) Luật Khí tượng thủy văn; Nhóm 9 – các luật về tư pháp, hợp tác quốc tế có 08 luật: (1) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, (2) Luật Thanh tra, (3) Luật Xử lý vi phạm hành chính, (4) Luật Khiếu nại, (5) Luật Tố cáo, (6) Luật Tố tụng dân sự, (7) Luật Điều ước quốc tế, (8) Luật Thoả thuận quốc tế.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì phiên thảo luận.

19 luật mặc dù không có nội dung QPPL về chất lượng SPHH, ĐGSPH nhưng có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực chất lượng SPHH, ĐGSPH: Luật Kiến trúc, Luật phòng, chống thiên tai, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đo lường, Luật Thể dục, thể thao, Luật Du lịch, Luật Điện ảnh, Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Quản lý thuế, Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Tiếp cận thông tin. Cũng theo ông Hải, hiện nay vẫn còn vướng mắc với một số Luật như Luật ATTP, Luật Phí và lệ phí, Luật TC&QCKT, Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật PC&CC.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại phiên thảo luận.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận giải đáp những thắc mắc, khó khăn, ghi nhận các góp ý trong sửa đổi Luật CLSPHH giữa chuyên gia và đại biểu tham dự.

Toàn cảnh hội thảo.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích