Tháo dỡ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn
Dày đặc “chuồng cọp” bịt lối thoát hiểm
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tình trạng các nhà cao tầng được quây kín bằng hệ thống “chuồng cọp” với mục đích phòng trộm cắp diễn ra khá phổ biến trên khắp các quận nội thành Hà Nội.
Gần khu vực đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), do nằm gần các trường Đại học, Cao đẳng nên rất nhiều nhà trọ mọc lên với hệ thống song sắt bịt kín. Tại khu tập thể cũ cạnh đường Nguyễn Trãi (quận Thanh xuân), hệ thống “chuồng cọp” cũng xuất hiện phổ biến, dày đặc.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu tập thể cũ người dân đã tự giác mở cửa thoát hiểm. (Ảnh:K.Tiến) |
Việc các “chuồng cọp” bịt kín chằng chịt tại các căn nhà, khu chung cư, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì “chuồng cọp” vô tình trở thành nơi lấp các lối thoát hiểm.
Thực tế không ít các vụ cháy gây thiệt hại nặng về người và tài sản một phần nguyên nhân đều do “chuồng cọp” gây cản trở, làm chậm công tác cứu nạn của lực lượng chức năng. Đơn cử, tháng 5/2023, ngôi nhà 4 tầng tại phường Quang Trung, quận Hà Đông đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Một số người dân cho biết khi phát hiện hỏa hoạn, có người mắc kẹt bên trong nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.
Tiếp đó, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) đêm 12/9 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với cách “bảo vệ” nơi ở bằng “chuồng cọp”.
Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy, “chuồng cọp” càng kiên cố thì khả năng thoát nạn khi có hỏa hoạn càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể tới việc, đây cũng trở thành “vật cản” đối với công tác tiếp cận hiện trường của lực lượng chức năng.
Chủ động “tháo chuồng cọp” mở lối thoát hiểm
Sau một số vụ cháy gây thiệt hại nặng nề, nhiều chủ nhà trọ, chung cư mini, nhà dân trên địa bàn Thủ đô đã chủ động cắt, mở “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm khi sự cố bất ngờ xảy ra.
Anh Trần Quang Minh (phường Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ: Nhà tôi ngay sát trục đường chính, ban công trông ra đường, lâu nay tôi làm “chuồng cọp” nhằm bảo vệ tài sản là chính. Nhưng ngày càng nhiều vụ cháy xảy ra, sau khi nghe lực lượng chức năng tuyên truyền về việc cần có lối thoát hiểm khi cháy nổ, tôi thấy hợp lý nên cắt một số thanh “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm. Tôi còn trang bị bình cứu hỏa trong nhà, học cách sử dụng bình”.
Nhận thức được tầm quan trọng, một số hộ dân chủ động mở lối thoát hiểm đề phòng sự cố cháy nổ xảy ra (Ảnh: N.Hoa) |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Lộc (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho hay: “Tôi mua căn nhà 5 tầng xây sẵn, hệ thống “chuồng cọp” đều đã được lắp sẵn tại mỗi tầng, nhưng sau vụ cháy chung cư tại quận Thanh Xuân, có lẽ tôi phải nhìn nhận lại về mức độ an toàn của hệ thống này”.
Không chỉ các hộ dân, các chủ trọ cũng chủ động thực hiện tốt hơn các phương án phòng cháy, chữa cháy. Ông Nguyễn Văn Hảo (chủ nhà trọ tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết, sau vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân, ông đã thuê người cắt song sắt “chuồng cọp”, mở lối thoát cho khu trọ 5 tầng của gia đình. Ngoài ra, ông Hảo cũng kiểm tra, thay thế hệ thống bình cứu hỏa ở khu vực tầng 1 và tại ban công các phòng.
“Sự việc vừa qua như một hồi chuông cảnh tỉnh, chúng tôi quyết định cắt một phần “chuồng cọp” để mở lối thoát đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Tôi sẽ đề nghị khách thuê trọ tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy”, ông Hảo cho biết thêm.
Có được sự thay đổi ý thức của người dân như trên là do thời gian qua, lực lượng chức năng các quận, huyện đã triển khai nhiều hoạt động tích cực tuyên truyền phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn và triển khai các biện pháp cụ thể trên thực địa.
Các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng… được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Chỉ riêng quận Tây Hồ, tính đến đầu tháng 6/2023, có 137 Tổ liên gia, đạt 92% tại các khu dân cư thuộc các Tổ dân phố; thành lập 282 “Điểm chữa cháy công cộng”, đạt 108%.
Công an quận tổ chức thực tập phương án chữa cháy cứu nạn, cứu hộ cho 12 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Các hộ dân tham gia mô hình đã lắp đặt kẻng báo cháy, chuông báo cháy, trang bị bình chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ thông thường như: Búa, kìm cộng lực, xà beng…
Do làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn quận Tây Hồ không có sự cố cháy nào gây thiệt hại về người và tài sản. Mỗi người dân đều nâng cao ý thức và có kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Bày tỏ sự đồng tình, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, bà Trần Bích Thu (tiểu thương kinh doanh mặt hàng vàng mã tại chợ Bưởi) chia sẻ: “Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, do đó chúng tôi rất quan tâm và luôn nêu cao ý thức cảnh giác phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi thường xuyên được Ban Quản lý chợ, Công an quận tuyên truyền các biện pháp phòng, chống cháy nổ.
Các hoạt động tuyên truyền giúp chúng tôi nâng cao nhận thức, biết cách bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ cháy nổ từ những việc nhỏ nhất như không kê hàng hoá sát ổ điện, lối đi, không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ… Chúng tôi xác định trước hết là bảo vệ tài sản của chính mình, sau là bảo vệ chung cho cộng đồng nên sẵn sàng ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn (phường Bưởi) chia sẻ: “Có những điều tưởng rất đơn giản như hút thuốc lá, hàn cắt… lại có thể là nguyên nhân gây cháy lớn. Qua những buổi tuyên truyền do Công an quận tổ chức, chúng tôi hiểu hơn về phòng, chống cháy nổ và thoát hiểm; cẩn trọng hơn từ việc thắp nhang khi thờ cúng và ngắt điện khi ra khỏi nhà để hạn chế cháy nổ, bảo vệ an toàn cho mình và những người sống xung quanh”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô