Tháo “điểm nghẽn” trong xây nhà ở cho công nhân
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua, nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân (CN) ở TPHCM có số người lây nhiễm cao, trong đó có nguyên nhân chính là do điều kiện ở lụp xụp, chật chội, không đảm vệ sinh, khoảng cách phòng chống dịch. Từ thực tế đó, đòi hỏi cần thúc đẩy nhanh các chính sách xây dựng nhà trọ cho CN.
Khu nhà lưu trú của Công ty Nissei Electric Việt Nam, một trong số rất ít doanh nghiệp có xây nhà lưu trú cho công nhân. Ảnh: Nam Dương |
Nhà trọ chật hẹp, nguy cơ lây bệnh cao
Cuối tháng 9.2021, khi tham gia cùng “Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà” của LĐLĐ quận 7, TPHCM đi trao quà trực tiếp cho các CNLĐ đang ở trọ tại một khu nhà trọ nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, chúng tôi không khỏi “giật mình” vì những điều trông thấy. Theo người quản lý khu nhà trọ (gần 20 phòng), ở đây từng có đến 50 ca nhiễm COVID-19 và may mắn đã được chữa khỏi. Mỗi phòng trọ ở đây rộng khoảng 10-12m2 và thường là có một gia đình CN hoặc nhóm nhiều người thuê chung. Phòng trọ chật chội, khép kín và ít thông thoáng nên nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm rất cao.
Trên địa bàn phường An Phú, TP.Thủ Đức hiện tồn tại nhiều dãy nhà trọ lụp xụp dành cho CN, lao động tự do. Chị Nguyễn Thị Phương Quyên, nhân viên một Cty chuyên về vận tải qua ứng dụng công nghệ đang thuê căn phòng chừng 10m2 để hai mẹ con sinh sống, cho biết, dù đã đi làm hơn chục năm nhưng vẫn không thể tiết kiệm để mua nhà, dù là căn hộ chung cư, nhất là khi chị lại là mẹ đơn thân, một mình nuôi con đang ăn học. “Nhà nhỏ nhưng tiền thuê cũng 2 triệu đồng/tháng. Biết ở thế này nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng ước mơ về căn nhà của mẹ con tôi thật xa vời” – chị Quyên chia sẻ.
Trong một hội thảo về nguồn nhân lực cho TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ hậu dịch COVID-19 mới đây, ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM – cho rằng phần lớn các khu nhà trọ dân sinh chính là nơi bị lây nhiễm dịch bệnh nhiều nhất, lý do phòng trọ khá chật chội. Bình thường công nhân chia nhau đi làm nên chỗ ở khá thoải mái, nhưng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, CN ở nhà, không gian sinh hoạt chung trong phòng thu hẹp. Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết, khi đi khảo sát, ông tận mắt chứng kiến có những gia đình 5 – 6 người phải sống chung trong một căn phòng trọ chừng 7m2. Với điều kiện sinh hoạt như thế, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
TPHCM hiện có 17 KCX-KCN với gần 280.000 lao động làm việc, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho CN ở miễn phí hoặc thu phí tượng trưng. Tiêu biểu như nhà lưu trú của Cty Đức Bổn; Cty Hung Way (KCX Tân Thuận, Q7) với quy mô 1.200 chỗ, Cty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1) với quy mô 2.000 chỗ, Cty Worldon (KCN Đông Nam huyện Củ Chi), với quy mô 4.600 chỗ và Cty Vạn Đức (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) với quy mô 600 chỗ. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng trăm ngàn CN lâu nay vẫn phải tự lo chỗ ở của mình, trong đó chủ yếu là phải thuê trọ.
Còn nhiều điểm nghẽn
TPHCM hiện có 1,6 triệu NLĐ và chuyên gia đang làm việc, trong số đó khoảng hơn 800.000 người đang cần chỗ ở. Sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, nhu cầu về nhà của người lao động càng bức thiết. 5 năm vừa qua, TPHCM mới chỉ xây dựng được 2.000 căn nhà ở xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho hơn 800.000 NLĐ, TPHCM cần thay đổi cách làm và kỳ vọng chương trình nhà ở xã hội sẽ được xây dựng thần tốc.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp thì vẫn còn quá nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ nếu không chương trình nhà cho CN vẫn rất khó khăn. Là DN từng triển khai nhiều dự án nhà ở cho CN tại TPHCM và tỉnh Long An, ông Trần Đức Vinh – Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Trần Anh Long An – cho biết, mục tiêu đặt ra là giá nhà xây và bán cho CN thì mức giá thấp, tuy nhiên, các tiêu chuẩn để Nhà nước chấp thuận cho chủ đầu tư được đủ điều kiện bàn giao cho khách hàng lại bị áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại. Điều này khiến DN đối diện nguy cơ thua lỗ. “Làm nhà ở giá rẻ, doanh nghiệp vẫn bị áp thuế đất như nhà ở thương mại. Hiện nay, tính theo giá xây dựng khoảng 7 triệu đồng/m2, chưa tính giá đất thì rất khó có thể làm nhà ở giá rẻ” – ông Vinh phân tích.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Trường Phát – cho biết, DN cũng rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà cho CN vì đây là phân khúc có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, DN cần được trả lời những câu hỏi cụ thể về định hướng của TPHCM với phân khúc này: DN sẽ đầu tư xây loại nhà nào, nhà tạm, thấp tầng hay nhà tiền chế để dễ thay đổi mục đích sử dụng đất, khi cần TP lấy lại làm việc khác?…
Nhiều chuyên gia cho rằng, triển khai theo mô hình xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, chính quyền sẽ phải dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư, có thể miễn giảm tiền thuê đất, các loại thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ về pháp lý… nhưng việc hấp dẫn nhà đầu tư cho loại hình này rất khó. Trên thực tế, xây theo mô hình nhà cao tầng với giá thuê vài ba triệu đồng/tháng, việc hoàn vốn, có lời là điều khó như “hái sao trên trời”.
Nguồn: Báo xây dựng