Thanh Xuân (Hà Nội): Cần soi chiếu sự minh bạch việc trả đất cho hộ ông Nguyễn Phạm Quyền
(Xây dựng) – Không có tên chủ sử dụng trên bản đồ năm 1960, nhưng từ cuối tháng 4/2021, phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) lại cử cán bộ đi cùng nhóm người đo đạc, kiểm tra mốc giới, phục vụ cho việc xác minh nguồn gốc để thực hiện thủ tục trả lại 5.705m2 đất và cấp sổ đỏ cho hộ ông Nguyễn Phạm Quyền (con cụ Bảo), gây tranh chấp với các chủ hộ sống ổn định hàng chục năm tại tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Vị trí lô đất đang tranh chấp giữa ông Quyền và 1 số hộ dân |
Đất hộ ông Nguyễn Phạm Quyền có tranh chấp, không đủ điều kiện cấp sổ đỏ?
Ngày 9/4/2021, UBND quận Thanh Xuân có Công văn số 448/UBND-TN&MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị cắm và bàn giao mốc giới khu đất cho gia đình ông Quyền tại tổ 42, phường Thanh Xuân Trung. Ngày 12/5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 3292/STNMT- ĐĐBĐ&VT gửi UBND quận, đồng ý với ý kiến của quận, đồng thời nêu rõ Sở đã có Công văn số 9093/STNMT- ĐKTKĐĐ “Công nhận vị trí, ranh giới diện tích khu đất để thực hiện việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại tổ 42 phường, Thanh Xuân Trung, cho gia đình ông Nguyễn Phạm Quyền là khu 3 trong bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 do Công ty TNHH MTV Địa chính Hà Nội lập tháng 10/2012, được UBND phường Thanh Xuân Trung, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân cùng ký tên đóng dấu, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đóng dấu xác nhận ngày 15/4/2013”. Theo nội dung của Công văn 9093 thì “Ranh giới Khu 3 tại bản đồ hiện trạng nêu trên không chồng lấn với ranh giới các khu đất liền kề đã được Sở xác định mốc giới bàn giao đất”.
Việc làm trên của các cấp chính quyền, phường, quận, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố nhưng các hộ dân sinh sống ở khu đất hộ ông Quyền đang đề nghị cấp sổ đỏ lại không được biết, không được ký giáp ranh liền kề. Ngày 29/4/2021, cán bộ UBND phường giám sát đơn vị đo đạc đất đai dân cư, nhưng những người dân có quyền lợi liên quan cũng không được biết. Việc đo đất đã vi phạm khoản 3 Điều 28 Luật Đất đai năm 2013, dẫn đến các hộ dân đề nghị công khai minh bạch, mới hé lộ 22 năm qua, từ phường, quận tới Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội, đã ban hành nhiều văn bản đồng ý cấp sổ đỏ cho hộ ông Quyền, âm thầm diễn ra. Diện tích đất hộ ông Quyền đang đòi và đề nghị cấp sổ đỏ, khi nhóm đo đạc đo thực địa thì chồng lên diện tích nhà ở của hơn 34 hộ dân tại tổ 14, phường Thanh Xuân Trung (trước đây là tổ 42). Từ đây xảy ra tranh chấp đất đai giữa hộ ông Quyền với các hộ dân. Các hộ dân có hộ khẩu đăng ký, sinh sống ổn định hàng chục năm tại khu dân cư, còn hộ ông Quyền, không có hộ khẩu, không sinh sống và không có giấy tờ nguồn gốc đất theo bản đồ năm 1960 sau cải cách ruộng đất, nhưng lại có đơn đề nghị trả đất và cấp sổ đỏ.
Tại thời điểm năm 2021 hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ, tại khoản 1, khoản 2 Điều 101 về “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất”, hộ ông Quyền không có hộ khẩu, không sinh sống tại tổ dân phố 42, không được UBND phường xác nhận là người sử dụng đất ổn định vì đang có tranh chấp đất với 34 hộ dân, thì không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ.
Không có căn cứ trả lại đất cho hộ ông Nguyễn Phạm Quyền
Do tranh chấp đất đai, các hộ dân đề nghị và được cán bộ địa chính phường cung cấp các tài liệu có liên quan từ nguồn gốc đất của hộ ông Quyền và các văn bản giải quyết của các cấp. Đây là các căn cứ để các hộ dân chứng minh nguồn gốc đất của hộ ông Quyền. Theo đó, cụ Phạm Thị Bảo (mẹ ông Quyền) có 5.705m2 đất thửa số 148 theo bản đồ trích lục ngày 21/4/1954, thuộc tờ bản đồ số 2 xã Thượng Đình ghi rõ “Trích lục này có tính cách chỉ dẫn và không bảo đảm”.
Nhà của 1 hộ dân chồng diện tích đất hộ ông Quyền đang đòi. |
Sau năm 1954, Chính phủ có chính sách cải cách ruộng đất đối với các tỉnh thành phía Bắc và lập lại bản đồ đất đai năm 1960, bản đồ này được coi là cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thay cho bản đồ cũ trước đây. Theo bản đồ năm 1960, thửa đất số 148 tách thành thửa số 5 và số 6 thuộc xã Nhân Chính, không còn tên cụ Bảo là người sử dụng đất, thửa đất này thuộc quản lý của Nhà nước. Theo Văn bản số 2965/BC-TTĐC-NĐ Hà Nội ngày 6/8/1999, thì từ năm 1959-1962 gia đình ông Quyền để đất hoang (không có tên chủ đất từ năm 1960) diện tích đất này do Hợp tác xã quản lý, nhưng Hợp tác xã buông lỏng quản lý để dân chiếm một phần vào giai đoạn 1967-1970.
Năm 1962 Thủ tướng Chính phủ có Thông tư số 73-TTg ngày 7/7/1962 về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị quy định tại khoản 2 Điều 1 Nguyên tắc: “Nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng các loại đất này, kể cả bất động sản hiện có trên mặt đất như cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, ao, hồ nuôi cá, giếng nước và các lịch sử…”.
Năm 1963, Thủ tướng Chính phủ có Thông tư số 10/TTg ngày 4/2/1963 tại Khoản 5 Điều 3: Các chính sách cụ thể, đối với đất bỏ hoang ở đô thị (có chủ hoặc vô chủ) đều do Nhà nước quản lý. Luật Đất đai năm 1993 tại khoản 2 Điều 2, Luật Đất đai năm 2003 tại khoản 2 Điều 10; Luật Đất đai năm 2013 tại khoản 5 Điều 26 đều quy định rõ: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Văn bản 2965/BC-TTĐC-NĐ Hà Nội ngày 6/8/1999 nêu rõ thửa đất số 5 và 6 bản đồ năm 1960 không có tên chủ đất và Văn bản 3292/STNMT- ĐĐBĐ&VT ngày 12/5/2021 Sở Tài nguyên và Môi trường xác định khu đất của gia đình ông Quyền không chồng lấn với ranh giới các khu đất liền kề. Trong hồ sơ đòi đất của hộ ông Quyền, không có văn bản pháp luật nào chứng minh gia đình ông Quyền là chủ sử hữu thửa đất số 5 và số 6 theo bản đồ năm 1960.
Ông Quyền cũng không xuất trình được có giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa xác nhận, biên lai đóng thuế… Đó là các căn cứ pháp lý khẳng định hộ ông Nguyễn Phạm Quyền đòi lại 5.705m2 đất, không thuộc quyền sử dụng của gia đình ông từ năm 1960, là không có cơ sở pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện UBND phường Thanh Xuân Trung chia sẻ: “Hiện nay lô đất tranh chấp này đang “vướng” thủ tục, chưa thể cấp sổ đỏ được. Điều quan trọng nhất dẫn tới khó xác định vị trí lô đất là thời xưa không có ghi tọa độ vị trí lô đất, do vậy bây giờ rất khó để xác định lô đất thực tế trong hồ sơ của nhà ông Quyền ở vị trí nào. Hơn nữa, gia đình ông Quyền lại không có hộ khẩu, không sinh sống tại ở lô đất này 1 thời gian dài lên đến vài, ba chục năm, sau này mới có đề nghị làm thủ tục cấp sổ nên rất khó để thực hiện thủ tục cấp sổ.
Mặc dù thành phố, quận có văn bản hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa “thông”, với vai trò quản lý tại địa phương, phường đã có nhiều báo cáo thực trạng, thực tế vụ việc lên các cơ quan cấp trên để tìm hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xong”.
Soi chiếu Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 11 Điều 11 Thông tư số 33/2017/TT-BTNTM ngày 29/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hồ sơ xin trả đất và cấp sổ đỏ của hộ ông Quyền không đủ điều kiện pháp luật quy định, chẳng lẽ UBND quận Thanh Xuân, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố lại không biết Luật, hay Hà Nội có luật riêng? Hay vì tiêu cực, lợi ích nhóm mà mà ký nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, nhằm hoàn thiện các thủ tục trả đất và cấp sổ đỏ cho hộ ông Quyền?
Nguồn: Báo xây dựng