Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Sản phẩm OCOP và dấu ấn làng nghề

Bánh chưng Tranh Khúc xã Duyên Hà; Nón lá Vĩnh Thịnh xã Đại Áng; Rượu cúc làng Ngâu xã Tam Hiệp; Rượu đòng đòng và các loại trà thảo mộc xã Tả Thanh Oai; Miến, bánh đa xã Hữu Hoà; Bưởi Hoàng xã Đông Mỹ,… là những cái tên nổi bật mà khi nhắc đến huyện Thanh Trì, nhiều người biết đến.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nông thôn mới đã đem lại cho các xã của huyện Thanh Trì nhiều đổi thay. Trong số các sản phẩm của huyện Thanh Trì có bánh chưng Tranh Khúc. Hiện nay trên địa bàn xã Duyên Hà có trên 250 hộ dân làm bánh trong đó có trên 110 hộ sản xuất thường xuyên. Công tác chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh toàn bộ làm thủ công, khâu luộc bánh chủ yếu dùng nồi điện 3 pha, nồi hơi, góp phần tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Thanh Trì có bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và góp phần kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, các hộ dân đã đầu tư máy hút chân không đóng gói bánh chưng. Nhờ áp dụng công nghệ, lựa chọn nguyên liệu chất lượng nên sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, trở thành địa chỉ uy tín trong lòng người dân Hà Thành.

Làng Tranh Khúc được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2011. Sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể, được cung cấp hệ thống mã vạch riêng, xây dựng website để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Hiện có 1 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 cơ sở sản xuất có 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao là bánh chưng ngũ sắc và bánh chưng nếp cẩm.

Rượu hoa cúc làng Ngâu ở xã Tam Hiệp được chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu được thành lập năm 2019. Với 20 thành viên, tất cả đều có chung một mong ước giữ lại nghề truyền thống của tổ tiên, đồng thời muốn kết hợp những công đoạn xưa cũ với những tư duy mới.

Các thành viên trong hợp tác xã được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và những quy định, chế tài của pháp luật phải tuân theo khi sản xuất thứ đồ uống đặc thù là rượu. Người dân đã mạnh dạn đầu tư mới dây chuyền chưng cất rượu hiện đại, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng.

Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Rượu hoa cúc làng Ngâu được chứng nhận OCOP 4 sao

Men làm rượu rất cầu kỳ với 36 vị thuốc Bắc như nhục đậu khấu, nhục quế, bạch truật, thảo quả, cam thảo, bạc hà…trộn vừa đủ ẩm rồi đem ủ vừa đủ nhiệt độ. Gạo để nấu rượu được các thành viên chọn giống nếp cái hoa vàng đặc sản, sát qua để giữ lại các thành phần dưỡng chất một cách nhiều nhất rồi nấu thành xôi và rải ra sàng, rắc men lên trên. Khi chưng cất, người ta rải những bông hoa cúc theo công thức chiếm khoảng 1% so với tỷ lệ rượu.

Dân làng phải chưng cất rượu hai đến ba lần mới lắng đọng được những thứ tinh túy nhất rồi hạ thổ trong vòng một năm để cho các chất bên trong được kết hợp hài hòa với nhau. Bởi vậy, rượu làng Ngâu khi uống có mùi thơm của gạo, mùi hương của thuốc Bắc và hương nồng nàn của hoa cúc, ngọt ngào mà sâu lắng, không gây nhức đầu, chóng mặt giống các loại rượu thường. Cũng như những loại mỹ tửu khác, thời gian không làm cho chúng phôi pha mà lại càng tôn thêm hương vị và giá trị.

Từ một xã thuộc vùng trũng của huyện, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, xã Đại Áng đã có những đổi thay vượt bậc. Hiện nay, Đại Áng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Làm nón ở Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh; nuôi cá “sông trong ao” ở Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng… Xã có 5 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố.

Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh Nguyễn Bá Ky cho biết, nghề làm nón của thôn đã được Thành phố công nhận là Làng nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Nón lá Vĩnh Thịnh nức tiếng gần xa

Tương tự, diện mạo nông thôn mới khang trang, kinh tế phát triển nhanh đang hiện hữu ở xã Ngũ Hiệp, với giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn 2,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 27,4%; thương mại, dịch vụ 70,4%. Trên địa bàn xã có 54 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả…

Hiệu ứng lan tỏa tích cực

Thanh Trì là huyện nằm ven phía Nam và Đông Nam thành phố Hà Nội, với 15 xã, 1 thị trấn. Cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng Công nghiệp – Thương mại dịch vụ – Nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh… tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề truyền thống, với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển sản phẩm OCOP.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn. Sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Trên địa bàn các xã, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề hay du lịch đều có.

Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Độc đáo các sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Thanh Trì

Theo ông Nguyễn Huy Toàn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn huyện có 129 sản phẩm được công nhận, trong đó có 64 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh đó, huyện xây dựng được 4 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, để duy trì và phát huy huyện Nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao theo định hướng trở thành quận phải chú trọng tới các vấn đề: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa quá trình đô thị hóa với việc giữ gìn không gian, bản sắc văn hóa truyền thống; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, đưa các sản phẩm đặc trưng của Thanh Trì đến với thị trường mới tiềm năng. Trong quá trình thực hiện, chương trình đã thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tạo sức bật mới để khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm của các chủ thể trên thị trường; góp phần vào quá trình xây dựng và cán đích Nông thôn mới nâng cao của huyện Thanh Trì.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích