Thanh Trì (Hà Nội): Kết quả đấu giá đất xen kẹt tại nhiều xã khiến chính quyền “bất ngờ”, dân bất bình?

(Xây dựng) – Ngày 20/11, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá Quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại 3 xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai. Tuy nhiên, tại các khu đất này cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Mặt khác, các “cò đất” thổi giá lên rất cao để “ôm” đất rồi rao bán ngay sau khi đấu giá, khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc.

thanh tri ha noi ket qua dau gia dat xen ket tai nhieu xa khien chinh quyen bat ngo dan bat binh
Mặc dù hạ tầng chưa xong, nhưng huyện Thanh Trì đã tổ chức đấu giá nhiều lô đất xen kẹt (Ảnh: Cao Nguyên)

Đầu nậu “thổi” giá , “ôm” hàng

Được biết, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại các xã Tả Thanh Oai từ cuối năm 2015; tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh từ giữa năm 2017 và tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng từ cuối 2019.

Theo đó, tổng diện tích 3 khu đất đấu giá là 4.486,5m2, được chia thành 73 lô đất. Cụ thể, khu đất đấu giá tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh có diện tích 1455,4m2, gồm 20 lô; khu đất đấu giá tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng có diện tích 1729,6m2, gồm 29 lô; và khu đấu giá tại thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai có diện tích 1301,5m2, gồm 24 lô.

Người tham gia đấu giá là các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Các lô đất được đấu từng thửa theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, phương thức trả giá lên, mở kết quả công khai.

Diện tích lô nhỏ nhất khoảng 44m2, lô lớn nhất là gần 100m2 tuy vị trí, khu vực; giá khởi điểm từ 15,525 triệu/m2 (tại thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai), 17,586 triệu đồng/m2 (tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng) và cao nhất là 21,501 triệu đồng/m2 (tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh); chiều cao xây dựng tối đa từ 3-5 tầng; mật độ xây dựng từ hơn 80% đến 100% tùy vị trí.

Buổi đấu giá nhận được sự quan tâm lớn từ người dân trên địa bàn, vì các khu đấu giá này nằm gần khu dân cư, có vị trí thuận tiện, có giá khởi điểm tương đối hợp lý. Song, thực tế diễn ra tại buổi đấu giá khiến không ít ngỡ ngàng từ chính người dân và lãnh đạo địa phương. Trong đó, điều khiến mọi người bất ngờ nhất chính là giá đấu thành công của nhiều lô đất cao ngất ngưởng, ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Cụ thể, khu đất tại xã Đại Áng có giá khởi điểm 17,586 triệu đồng/m2, nhưng đã được một số khách hàng đã trả giá cao ngất ngưởng đồng thời “ôm” nhiều lô đất. Tại các lô số 14, 19, 21 đều có diện tích 50m2 với được người tham gia đấu giá trả lên đến 51 triệu/m2, tương đương khoảng 2,5 tỷ/lô; lô số 28 có diện tích 78,5m2, được khách hàng “thổi” giá lên đến 56,086 triệu/m2 tương đương gần 4,5 tỷ đồng; tại lô số 03 diện tích 78,4m2 với giá 36,086 triệu/m2 và lô số 12 diện tích 50m2 với giá 48,086 triệu/m2, tương đương khoảng 2,8 và 2,5 tỷ đồng.

thanh tri ha noi ket qua dau gia dat xen ket tai nhieu xa khien chinh quyen bat ngo dan bat binh
Mặc dù giá đất khởi điểm rất hợp lý nhưng lại được nhiều người đấu với giá cao “ngất ngưởng” khiến chính quyền bất ngờ, người dân bất bình.

Đối với khu đấu giá thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, mức giá khởi điểm là 21,501 triệu/m2, một khách hàng trúng nhiều lô đất cũng với giá cao ngất ngưởng như lô số 01 có diện tích 82,1m2, giá trúng là 58,801 triệu/m2, tương đương khoảng 4,8 tỷ/lô; lô 02 diện tích 92,5m2, giá trúng là 49,901 triệu/m2, tương đương khoảng 4,6 tỷ/lô; lô 04 diện tích 76,8m2, giá trúng là 56,801 triệu/m2 tương đươngkhoảng 4,4 tỷ/lô; lô 08 diện tích 76,8, giá trúng là 52,801 triệu/m2, tương đương khoảng 4 tỷ/lô. Tương tự, một khách hàng khác trúng các lô 05 và 07 đều có diện tích 76,8m2 với giá 52,201 triệu/m2 và 55,301 triệu/m2, tương đương lần lượt là 4 tỷ đồng/lô và 4,2 tỷ/lô. Riêng lô số 09 diện tích 66,5m2 được một khách hàng khác trả cao nhất lên tới 61,1 triệu/m2, tương đương trên 4 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu đấu giá thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai có giá khởi điểm 15,525 triệu đồng/m2 nhưng kết quả nhiều lô đất cũng được đẩy lên trên 30 triệu đồng, gấp đôi giá khởi điểm.

Chính quyền “bất ngờ”, dân bất bình?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Toàn – Chủ tịch UBND xã Đại Áng cũng tỏ ra rất “bất ngờ” trước kết quả đấu giá tại địa phương mình, ông Toàn cũng không hiểu vì sao mà kết quả đấu giá thành lại cao như vậy. Theo ông Toàn, đến thời điểm này đấu giá đã tổ chức xong, các cá nhân trúng đấu giá đang chờ hoàn thiện thủ tục để nộp tiền. Hạ tầng khu đấu giá thì vẫn đang được triển khai, khoảng nửa tháng nữa mới xong, điện nước chưa được đấu nối.

Tương tự, ông Lưu Đình Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cũng cho rằng, bản thân ông rất bất ngờ vì giá đấu thành đạt ở mức rất. Một số cá nhân trúng nhiều lô 7-10 lô, sau khi đấu thành công đã có một số trường hợp bán lại luôn.

Theo một số người môi giới bất động sản tại khu vực này thì giá đất thị trường tại đây loanh quanh mức 25-35 triệu/m2 tùy vị trí đẹp hay xấu, chính vì vậy trước thông tin giá đất tại cuộc tại các xã nói trên một số môi giới bất bất động sản cũng rất bất ngờ. Có người cho rằng do lần này huyện tổ chức đấu giá tại các khu đất xen kẹt, số lượng các lô đất rất ít, vị trí lại gần, thậm chí là trong khu dân cư nên có thể một số đầu nậu cố tình “thổi” giá, “ôm” đất tạo khan hiếm giả nhằm tăng giá bán sau này, thu lời lớn.

Theo một chuyên gia pháp lý về đất đai: Nếu chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa đấu nối điện nước mà đã đưa đất là đấu giá là chưa đảm bảo đúng quy trình, gây khó khăn cho người dân nếu có như cầu về ở ngay sau khi đấu giá thành. Theo vị chuyên gia này, để đưa đất ra đấu giá cần phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật như, đất đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đất đã được giải phóng mặt bằng; Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước thẩm quyền phê duyệt; Đất thuộc loại đất đấu giá phải là khu đất không xảy ra tranh chấp, kiện tụng và phải đáp ứng các quy định khác như Luật Đấu giá…

Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng tổ chức đấu giá đất trong khi chưa hoàn thiện được cơ sở hạ tầng, chưa đấu nối điện nước dẫn đến tình trạng người dân sau khi đấu giá xong muốn xây nhà để ở gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải chờ đợi một thời gian dài mới có thể xây nhà để ở hoặc khi về ở phải bỏ tiền kéo điện nước từ ngoài vào, thực tế này diễn ra ở nhiều nơi.

Mặt khác, người dân cũng rất bức xúc vì tình trạng người dân có nhu cầu ở thật thì không thể đấu lại với các “cò” đất, các đầu nậu đất. Lý do vì các đầu nậu sẵn sàng bung tiền, “ôm” đất giá cao để thổi giá, tạo khan hiếm hàng rồi sau này bán lại với giá chênh lệch rất cao.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cuộc tổ chức đấu giá đất sát sao hơn nữa, tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng “cò” đất, đầu nậu ôm nhiều lô đất, “thổi” giá làm ảnh hưởng đến người dân có nhu cầu thật về nhà ở gây khó khăn cho người dân, gây bất bình trong xã hội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích