Thanh tra tỉnh Bắc Giang điểm mặt loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản dính sai phạm trên địa bàn huyện Lục Ngạn
(Xây dựng) – Theo Kết luận Thanh tra của Thanh tra tỉnh Bắc Giang, phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều dính sai phạm. Thanh tra tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lục Giang Sơn, Công ty Cổ phần đầu tư 379, Công ty Cổ phần đầu tư 286 và nhiều doanh nghiệp khác dính vi phạm được nêu trong Kết luận Thanh tra.
Theo Kết luận Thanh tra số 636/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Bắc Giang về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc cấp phép, quản lý, khai thác tài nguyên đất, đá, cát, sỏi; việc cấp phép quản lý kinh doanh bãi chứa vật liệu xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính trên địa bàn huyện Lục Ngạn, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều dính sai phạm.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 11 doanh nghiệp được UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 13 giấy phép khai thác đất, cát, sỏi (đất san lấp 6 doanh nghiệp, 6 giấy phép; cát, sỏi 5 doanh nghiệp 7 giấy phép); 58 trường hợp hộ gia đình, cá nhân 4 được chấp thuận cho phép san gạt mặt bằng, hạ cốt nền, vận chuyển đất dư thừa với diện tích 79.988m2, khối lượng 148.469m3.
Quá trình thanh tra đã xác minh đối với 7 doanh nghiệp là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bình Minh; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lục Giang Sơn; Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hải Nam; Công ty Cổ phần đầu tư 379; Công ty Cổ phần đầu tư 286; Công ty TNHH MTV tư vấn đo vẽ bản đồ Việt Ngọc; Công ty TNHH khai thác khoáng sản Yến Anh và 58 trường hợp san gạt, hạ cốt nền.
Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bình Minh đã dừng khai thác do giấy phép hết hạn (từ tháng 6/2019); quá trình hoạt động, đơn vị đã có hành vi khai thác vượt ranh giới và bị Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lục Giang Sơn; Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hải Nam: tại thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp khai thác trong phạm vi ranh giới cấp phép. Tuy nhiên, 02 đơn vị không cung cấp được tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế, không lắp đặt hệ thống camera giám sát, trạm cân theo quy định.
Công ty Cổ phần đầu tư 286; Công ty TNHH MTV tư vấn đo vẽ bản đồ Việt Ngọc; Công ty TNHH khai thác khoáng sản Yến Anh là các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi: Tại thời điểm kiểm tra, các đơn vị đang tạm dừng khai thác do vào mùa mưa lũ.
Cũng theo Kết luận Thanh tra, 15 trường hợp thuộc địa bàn 3 xã (Trù Hựu 11; Đồng Cốc 2; Mỹ An 2) thực hiện san gạt, hạ cốt nền vượt giấy phép với khối lượng 24.090m3, tương ứng với số tiền 144.932.907 đồng.
Về công tác quản lý Nhà nước đối với các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, tại thời điểm kiểm tra, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 13 bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông tập trung ở địa bàn 02 xã Phượng Sơn và Mỹ An. Qua kiểm tra 6/13 bến bãi thấy các bến, bãi có một số sai phạm, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Cụ thể, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi không nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất sử dụng làm bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi theo quy định của pháp luật về đất đai. Sử dụng đất không đúng mục đích (sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp – làm bến, bãi tập kết cát, sỏi; xây dựng nhà ở). Bến, bãi kinh doanh, tập kết cát, sỏi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hay xác nhận đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cát, sỏi đang kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp…
Thời điểm năm 2019, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, qua đó phát hiện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bình Minh khai thác vượt ranh giới được cấp phép. Năm 2020, kiểm tra và xử lý Công ty Cổ phần đầu tư 286, Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Long, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lục Giang Sơn làm mất mốc giới khai thác. Năm 2021, kiểm tra và xử lý Hợp tác xã khai thác khoáng sản và nuôi trồng thủy sản Tuấn Minh khai thác vượt ranh giới được cấp phép; hoạt động bến thủy nội địa không có giấy phép.
Từ những bất cập nêu trên, Thanh tra tỉnh Bắc Giang khẳng định, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản tại huyện Lục Ngạn chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, còn để xảy ra nhiều trường hợp khai thác khoáng sản, san gạt, hạ cốt nền trái phép, vượt khối lượng, ranh giới cấp phép, làm mất mốc giới khai thác; đa số các doanh nghiệp không cung cấp được tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế, không lắp đặt hệ thống camera giám sát, trạm cân theo quy định; bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trên địa bàn chưa đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định.
Qua thanh tra phát hiện 15 trường hợp thực hiện san gạt, hạ cốt nền vượt giấy phép với khối lượng 24.090m3, tương ứng với số tiền 144.932.906 đồng Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thu hồi số tiền sai phạm và nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Được biết, huyện Lục Ngạn là huyện miền núi có một số loại khoáng sản chủ yếu như: Đất, cát, sỏi, quặng đồng, than, vàng gốc, vàng sa khoáng… Đối với tài nguyên đất san lấp mặt bằng có ở 29/29 xã, thị trấn. Trên địa bàn huyện có 11 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi; 10 khu vực đất san lấp; 4 khu vực nguyên liệu sét sản xuất vật liệu xây dựng; 14 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nguồn: Báo xây dựng