“Thành phố xanh” Freiburg
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.
Dưới chân Rừng Đen xinh đẹp của nước Đức là thành phố Freiburg hơn 900 năm tuổi với kiến trúc thời Trung cổ ngoạn mục. Đây cũng là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.
Nói không với năng lượng hạt nhân
Freiburg là thành phố lớn thứ tư trong bang Baden-Württemberg (Cộng hòa Liên bang Đức), nằm ở khu vực giữa thượng lưu sông Rhine và Rừng Đen (Schwarzwald). Thành phố với hơn 230.000 dân này luôn có nhiều nắng nhất và ấm áp nhất trên toàn lãnh thổ nước Đức.
Freiburg thường xuyên được trao giải thưởng về môi trường như danh hiệu “Thủ đô sinh thái” năm 1992 và “Thành phố bền vững” năm 2004. Freiburg đã nhiều lần giành được “Giải đấu năng lượng mặt trời quốc gia” (với 1.800 giờ nắng hằng năm).
Lịch sử xanh của Freiburg bắt đầu từ những năm 1970 khi thành phố đề xuất xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Rừng Đen. Điều này đã thúc đẩy một phong trào chống năng lượng hạt nhân.
Người dân địa phương lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiềm ẩn, khả năng tiếp xúc với bức xạ cũng như các tác động khác đến sức khỏe và môi trường. Hàng nghìn người từ nông dân, kiến trúc sư, giáo viên, cảnh sát và bác sĩ đã cắm trại để phản đối tại công trường trong 9 tháng. Sự phản đối gay gắt này khiến việc xây dựng nhà máy điện bị ngừng vĩnh viễn và trở thành chất xúc tác cho phong trào năng lượng xanh lớn hơn ở Đức.
Từ việc không chấp nhận kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, người dân ở Freiburg thực hiện việc tiết kiệm năng lượng sớm hơn hầu hết các thành phố khác trong thập niên 1970. Quyết định đó đã dẫn đến sự phát triển của Freiburg như một mô hình hàng đầu thế giới về cuộc sống đô thị bền vững: Dẫn đầu về sử dụng năng lượng mặt trời, chất lượng cuộc sống cao thông qua quy hoạch không gian và giao thông tiết kiệm năng lượng cũng như bảo tồn thiên nhiên…
Năm 1986, Freiburg là một trong những thành phố đầu tiên của Đức áp dụng khái niệm cung cấp năng lượng địa phương nhằm bảo vệ khí hậu. Chương trình bao gồm việc giảm tiêu thụ năng lượng, nước và tài nguyên; tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ năng lượng mới. Freiburg được mệnh danh là “thành phố năng lượng mặt trời” của châu Âu, nơi lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Đức cũng như ở các quốc gia châu Âu khác.
Ngoài ra, Freiburg còn sử dụng năng lượng sinh khối từ thực vật, gió và thủy điện để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng còn lại của thành phố. Mỗi năm, khoảng 36.000 tấn rác thải hữu cơ (chủ yếu là rác thải nông nghiệp, nhà bếp và vườn được thu gom, phân loại) đã được biến thành năng lượng sinh khối để cung cấp năng lượng cho khu dân cư và doanh nghiệp. Ngoài ra, Freiburg sử dụng dầu hạt cải để tạo ra nhiệt và điện kết hợp (đồng phát) cung cấp điện và đáp ứng nhu cầu sưởi ấm.
Thiết kế đô thị xanh
Sự phát triển giao thông bền vững của Freiburg bao gồm 3 chiến lược chính: Hạn chế sử dụng ô tô trong thành phố, cung cấp các phương án vận chuyển hiệu quả và điều chỉnh việc sử dụng đất để tạo điều kiện cho giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ.
Freiburg đã bảo tồn và mở rộng mạng lưới tàu điện mặt đất thay vì loại bỏ phương tiện này để nhường chỗ cho ô tô như nhiều thành phố khác, điều này mang lại nhiều lợi ích: Chất lượng không khí tốt hơn, giao thông yên tĩnh, tiết kiệm không gian…
Trung tâm thành phố Freiburg gần như hoàn toàn thân thiện với người đi bộ, trong đó có nhiều nơi cấm ô tô cá nhân. Thành phố cũng có hơn 300 dặm đường dành riêng cho xe đạp. Xe đạp chiếm hơn 1/4 tổng số phương tiện di chuyển tại Freiburg. Đây là một trong những chiến lược giúp giao thông công cộng tăng khoảng 50% và lưu lượng xe đạp tăng 100%, trong khi số chuyến đi bằng ô tô chỉ tăng 1% trong giai đoạn 15 năm từ 1976 – 1991.
Ngoài chính sách trợ giá giao thông công cộng, để giúp các phương thức vận chuyển thay thế trở nên hấp dẫn hơn nữa, tất cả các đường phố ở Freiburg, trừ đường cao tốc, đều có giới hạn tốc độ tối đa là 50km/h. Thành phố cung cấp thẻ Regio (Regiokarte) cho phép người dân tiếp cận đầy đủ tất cả các xe điện, xe lửa và xe buýt. Khả năng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng của người dân thành phố Freiburg cũng rất tốt khi 70% dân số sống trong bán kính cách trạm xe điện nửa km.
Ở Freiburg, các công trình mới phải đáp ứng các nguyên tắc thiết kế đô thị nghiêm ngặt, trong đó quy hoạch đô thị xanh là điều tối quan trọng. Hai phần ba diện tích đất của Freiburg được dành cho mục đích sử dụng xanh. Chỉ 32% được sử dụng cho phát triển đô thị, rừng chiếm 42%, còn lại là sử dụng cho nông nghiệp, giải trí, bảo vệ nguồn nước…
Để phát triển xanh, việc bảo tồn năng lượng là trọng tâm của tất cả các tòa nhà trong thành phố Freiburg. Chẳng hạn tại quận Vauban, toàn bộ khu dân cư đều sử dụng năng lượng được cung cấp bởi các tấm pin mặt trời trên mái nhà cũng như nhà máy sinh khối của thành phố.
Sự tham gia tích cực của người dân thành phố trong việc bảo vệ môi trường trong những thập kỷ qua đã mang đến cho Freiburg nhiều lợi ích về mặt sinh thái và kinh tế. Đây cũng là nơi “đóng đô” của nhiều viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ năng lượng mặt trời cũng như vô số công ty hoạt động trong việc thúc đẩy và ứng dụng năng lượng tái tạo.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị