Thành phố Thanh Hóa: Chuyển mình mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế
Từ vùng đất nhỏ giàu truyền thống…
TP Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Không chỉ ôm trong mình một nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ cách ngày nay khoảng 4.000 năm, mà “Thành phố bên bờ sông Mã” còn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, khát vọng của người dân xứ Thanh.
Mùa xuân năm 1804, vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (nay là phường Thiệu Dương thuộc TP Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc và gọi là Hạc Thành. Mùa xuân năm ấy là dấu mốc lịch sử trong hành trình vươn tới tầm cao mới của TP Thanh Hóa hôm nay.
Theo dòng chảy lịch sử của 218 năm hình thành và phát triển, đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa đã nhiều lần được đổi tên, mở rộng địa giới hành chính qua các thời kỳ. Lần gần nhất vào tháng 2/2012, thành phố được mở rộng thêm 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương theo Nghị quyết 05/NQ-CP của Chính phủ.
… biến đô thị phồn hoa bên bờ sông Mã
Sau khi mở rộng, thành phố có diện tích tự nhiên 146,77 km2 với 34 phường, xã và trở thành một trong những đô thị lớn nhất của khu vực phía Bắc về dân số. Việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo động lực cho sự phát triển đi lên của TP Thanh Hóa.
Với quan điểm, TP Thanh Hóa phát triển không chỉ cho riêng mình, mà hơn hết còn là động lực tăng trưởng của tỉnh, thành phố đã tập trung khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Năm 2022 với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã dự báo đúng tình hình, chủ động thực hiện linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Mặc dù những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá cả các loại mặt hàng như xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, song thành phố vẫn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Kết thúc năm 2022, thành phố là địa phương có sự phục hồi kinh tế nhanh nhất tỉnh, với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 18,4%, cao hơn 6,3% so với cùng kỳ. Với 3 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 400 nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất, kinh doanh đã giúp cho ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố tiếp đà phục hồi, với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 51.242 tỷ đồng, đạt 102,2% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Đi liền với đó, thành phố còn khai thác, phát huy lợi thế là “cầu nối” giao thương giữa các tỉnh, thành phố phía Bắc với khu vực Bắc Trung bộ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ – thương mại. Năm qua, giá trị sản xuất ngành dịch vụ – thương mại của thành phố đạt 53.645 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở các quy hoạch, thành phố đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kiến thiết, phát triển hạ tầng kỹ thuật “đô thị trẻ” với nhiều dự án, công trình trọng điểm được hình thành, tạo điểm nhấn cho dáng vóc của “Thành phố bên bờ sông Mã” hôm nay.
Dự án Vincom Thanh Hóa trên đường Trần Phú với các công trình hiện đại, bề thế, bao gồm: Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa, Khách sạn 5 sao Vinpearl Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống căn hộ cao cấp mang phong cách châu Âu đã và đang là trung tâm thương mại sầm uất nhất của cả tỉnh.
Từ dòng vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, các khu đô thị Vinhomes Star City Thanh Hóa, Eurowindow Garden City…, với quần thể công trình nhà ở, khách sạn hiện đại, mang phong cách châu Âu cùng không gian sống xanh đã ra đời, trở thành nơi “đáng sống” của người dân xứ Thanh.
Sự đổi thay của TP Thanh Hóa còn hiện hữu từ những tuyến đường được đầu tư mở mới. Trong đó phải kể đến Đại lộ Nguyễn Hoàng, Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Hùng Vương, đường Võ Nguyên Giáp, đường tránh phía Tây… đã tạo nên hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, thể thao đạt thành tích cao với nhiều kết quả nổi bật. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Những con số “biết nói”, những hình ảnh, dẫn chứng thực tế đã cho thấy không chỉ diện mạo đô thị có chuyển biến tích cực mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội của thành phố ngày càng phát triển. Điều này đã và đang tạo nên nền tảng vững chắc để TP Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ – thương mại hàng đầu của khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế
Năm 2023 là năm có tính chất “bản lề” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, chính vì vậy mà toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Thanh Hóa từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Cùng với sự đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Hướng đến tương lai với khát vọng vươn lên, mục tiêu mà toàn thành phố đặt ra tập trung vào 6 vấn đề lớn là: tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố theo Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Phối hợp với huyện Đông Sơn và các sở, ban, ngành cấp tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai các dự án đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai các dự án đã được HĐND thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư. Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, đại hội Đảng bộ phường, xã nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các dự án còn tồn tại, kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức chậm trễ trong thực thi công vụ.
Trong “guồng quay” xây dựng và phát triển, TP Thanh Hóa đã và đang khẳng định vị thế của một đô thị trung tâm. Bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đi liền với đó là nỗ lực khơi thông nguồn lực để TP Thanh Hóa cất cánh, xứng đáng là “trái tim” của cả tỉnh.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu